Theo đó, bên cạnh việc giảm thuế suất chung từ mức 25% hiện hành xuống còn 23%, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Thêm nhiều khoản khấu trừ mới Đối với các DN "vốn mỏng", tức là tình trạng DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn rất ít, dự thảo Luật bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ không quá 10 lần vốn chủ sở hữu). Đồng thời, để phù hợp với thực tiễn Việt Nam là nền kinh tế đang thiếu vốn, DN hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, dự thảo Luật quy định rõ lộ trình thực hiện từ ngày 1-1-2016, áp dụng đối với các khoản vay phát sinh từ ngày 1-1-2006 để DN có thời gian chủ động trong việc tái cơ cấu và cân đối lại các nguồn vốn hoạt động. Bộ Tài chính cũng dự kiến sẽ loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế (các khoản chi quảng cáo tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới…), đồng thời nâng lên tỷ lệ khống chế lên mức 15% (là mức hiện hành chỉ áp dụng cho DN thành lập mới trong 3 năm đầu). Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi tài trợ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với các khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước đối với các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn để khuyến khích DN cùng chia sẻ với Nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho NSNN trong điều kiện đất nước còn có khó khăn và phù hợp với nguyện vọng của các địa phương đang cần được tài trợ. Ngoài ra, các khoản chi đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ mang tính an sinh xã hội cho người lao động của DN cũng được Bộ Tài chính đề xuất bổ sung vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế để khuyến khích sự hình thành quỹ hưu trí tự nguyện, từ đó góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán và hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách Nhà nước và đồng bộ với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13. Góp phần cải cách thủ tục hành chính Đánh giá những tác động tới sự phát triển KT-XH và DN, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo Luật thuế TNDN được thông qua sẽ góp phần đưa các quy định về thuế TNDN vào cuộc sống, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền lợi cho các DN, đồng thời khắc phục được những tồn tại hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn tới. Việc giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc giảm thuế suất chung, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và tạo thuận lợi để DN chủ động trong sản xuất kinh doanh. Ông Lợi nhấn mạnh, các quy định mới của dự thảo luật cho phép DN, cơ quan quản lý thuế kiểm soát, quản lý được các khoản thu - chi của DN, tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của DN và một số nội dung nhằm đơn giản hoá thủ tục cho DN như bỏ quy định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, cơ quan quản lý và góp phần tăng tính ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hồng Vân |