Phủ Định Viễn tại Tây Thượng - Phú Thượng (Phú Vang) Nói đến chuyện làm ăn,énnhangthơmngưỡngvọngônghoànhật vs canada nhiều người vẫn quan niệm rằng dân Huế thuộc hàng "yếu kém". Nhìn đại thể thì dường như nó vậy. Điều đó có thể phát xuất từ bản tính trầm lắng, ít thích bon chen của người Huế; cũng có thể một phần là do ảnh hưởng bởi quan niệm "thiểu dục tri túc" (ít mong cầu, biết vừa đủ) của nhà Phật. Có điều đã không làm ăn thì thôi, quyết chí làm ăn thì dân Huế cũng "ác liệt" không kém ai. Rất nhiều người Huế thành công trên thương trường và trên nhiều lĩnh vực khác. Mới đây nhất, một người Huế đã lọt vào top tỷ phú đô la, đó là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty ô tô Trường Hải. Với khối tài sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, ông Dương là tỷ phú xếp thứ 1.339 thế giới và là 1 trong 4 người Việt Nam có mặt ở danh sách nói trên. Ấy là nói chuyện thời nay, còn trở về thời xưa, khi đang còn là kinh đô đất nước, Huế cũng nổi tiếng với ông hoàng Định Viễn Nguyễn Phúc Bính. Người được xem là giàu nhất thiên hạ, đến mức ngay cả vua Minh Mạng cũng đã phải thốt lên: "Phú bất như Định Viễn" (Giàu có thì không ai qua mặt được Định Viễn). Không chỉ nổi tiếng bởi sự giàu có, chuyện về ông hoàng này cũng lắm điều thú vị. Nguyễn Phúc Bính (1797-1863) là hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long. Thuở nhỏ ông nổi tiếng nghịch ngợm khiến vua cha phiền lòng nhiều lần trách phạt. Hoàng huynh Nguyễn Phúc Đảm, sau này là vua Minh Mạng, đã phải nhiều lần đứng ra xin vua cha tha tội cho em. Nhưng "sông có khúc người có lúc", sau này lớn lên, Nguyễn Phúc Bính lại tu tâm dưỡng tính, lo học hành và biết cách làm ăn rồi trở nên giàu có. Năm 20 tuổi (1817), ông được phong Định Viễn quận công. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cuộc đời Định Viễn để lại 3 dấu ấn khiến nhiều người phải nhớ: Là nhà buôn lớn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XIX; Là người nổi tiếng say mê nghệ thuật hát bội; và là người đã tổ chức phiên chợ Gia Lạc để dân nghèo có chỗ vui chơi trong ba ngày tết. Du khách trải nghiệm tranh làng Sình Do phủ của ông hoàng Định Viễn tọa lạc gần bến đò chợ Dinh, một trung tâm thương mại của đất kinh đô, nơi tấp nập của thuyền bè từ khắp nơi chở hàng đến kinh thành để mua bán. Quan sát thấy nhiều thuyền phải neo đậu dài ngày để chờ bán hết hàng mới có thể lại mua hàng chở đi, ông hoàng nảy ra ý cho dựng nhà kho ở gần bến, tổ chức mua sỉ hàng hóa cho các thuyền buôn theo giá thỏa thuận. Các thuyền buôn bán hàng cho ông hoàng nhưng chưa lấy tiền ngay, chuyến sau chở hàng tới lấy tiền chuyến trước. Cứ như vậy, họ khỏi đợi chờ tốn kém mệt mỏi, tiền có thể chậm một nhịp nhưng bù lại hàng hóa lại được quay vòng nhanh. Còn ông hoàng thì trở thành nhà phân phối đầu mối. Đôi bên cùng có lợi. Uy tín, vị thế và sự sòng phẳng của ông hoàng khiến công việc làm ăn của ông càng ngày càng phát đạt. Bến đò chợ Dinh cũng nhờ đó ngày càng trở nên sầm uất phồn thịnh. Ông hoàng nhanh chóng trở nên giàu có, đến mức vua anh - tức hoàng đế Minh Mạng - đã phải thốt lời ngợi khen "Phú bất như Định Viễn". Vua khen đến như thế, chứng tỏ trong cả nước lúc bấy giờ, tìm cho ra người giàu hơn ông hoàng Định Viễn chắc khó! Tranh giấy Làng Sình là “hiện vật” không thể thiếu trong những phiên chợ Gia Lạc tái hiện Điều đáng quý ở ông hoàng thứ sáu này là tuy giàu sang, quyền thế tột đỉnh như vậy, song ông vẫn rất quan tâm đến tầng lớp dân nghèo. Thấy dân nghèo quanh năm đầu tắt mặt tối lam lũ làm ăn. Đến 3 ngày tết mới có cơ hội để lên dinh (phố) chơi, nhưng đó lại cũng là lúc chợ búa, quán xá, cửa hàng cửa hiệu đều đã đóng cửa nghỉ tết. Thương dân nghèo, ông hoàng bèn nghĩ ra cách tổ chức phiên chợ tết, lấy tên là chợ Gia Lạc (Gia: Tăng thêm; Lạc: niềm vui. Gia Lạc có nghĩa là tăng thêm niềm vui). Chợ tổ chức ngay trên đất chợ Nam Phổ, ngay đầu các con đường dẫn về các làng quê trong vùng. Chợ chỉ họp trong 3 ngày tết, ngoài bán các loại đồ chơi, thức ăn, bánh kẹo, cau trầu lấy lộc đầu năm... còn có các trò chơi từ cung đình cho chí dân gian như bài chòi, bài vụ, vật võ, hát bội... Người đến chợ không phải để mua bán lấy lời mà với tâm thế du xuân trẩy hội. Ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, giao tiếp lịch sự, cởi mở, vui vẻ. Tiếng cười tiếng nói rộn rã cả vùng suốt 3 ngày tết. Tiếng thơm của chợ lan nhanh, dần dà không chỉ có dân trong vùng mà còn nhiều vùng miền khác, kể cả các ông hoàng bà chúa, con quan cháu cụ võng lọng xênh xang cũng về tìm vui tết với bà con bá tánh. Sau ngày chế độ quân chủ cáo chung, đời sống biến động, phát triển, phương tiện đi lại không còn cách trở nên phiên chợ Gia Lạc không còn được tổ chức như trước. Dẫu vậy thói quen đi chợ Gia Lạc để mua lộc đầu năm vẫn duy trì trong một bộ phận dân Huế. Đặc biệt, ý nghĩa nhân văn của phiên chợ thì vẫn mãi vọng vang như một nét đẹp độc đáo của văn hóa Cố đô. Chính vì thế mà ở một số lễ hội hay sự kiện văn hóa, phiên chợ Gia Lạc lại được tái hiện để giới thiệu với bạn bè, du khách bốn phương, và cũng là để thỏa nỗi hoài niệm, nhớ thương của người dân xứ Huế. Không chỉ xuất hiện ở TP.Hồ Chí Minh nhiều lần mà qua sự kết nối của một số trí thức Việt kiều và lời mời của Trung tâm Giao lưu Đức - Á, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Nantes, phiên chợ tết Gia Lạc còn đã xuất hiện và gây ấn tượng với bạn bè quốc tế tại Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Pháp, do công nghiên cứu, phục dựng của nghệ nhân gốc Huế Hồ Thị Hoàng Anh. Những con bột sặc sỡ màu sắc thường hút hồn lũ trẻ ở những phiên chợ tết ngày trước Chuyện xưa, chuyện nay để thấy dân Huế không phải không giỏi làm giàu. Có thể có người bảo "ai dám bì với con vua..." thì xin thưa, cháu 5 đời của Định Viễn quận vương là ông Viễn Đệ, ở những thập niên 1940-1970, sau ngày không còn chế độ quân chủ nữa vẫn nổi tiếng là doanh nhân thành công ít người dám sánh. Và nay thì Trần Bá Dương như trên đã có nhắc... Đôi dòng chuyện cũ thay nén nhang thơm ngưỡng vọng ông hoàng Định Viễn Nguyễn Phúc Bính khi tết đã gõ cửa ... Bài, ảnh: Hiền An |