Nửa đầu năm 2020, thu giảm khoảng 80 nghìn tỷ đồng Báo cáo kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm 2020, ông Cao Anh Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách tính đến hết tháng 6/2020 đạt 45,8% dự toán, nếu không tính khoản gia hạn 43.000 tỷ đồng, ngành thuế thu được 49,2% dự toán. Ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã ra quân triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thu. Riêng quý 1 đã thu được 28%, trong đó tập trung phần chênh lệch quyết toán 2019 chuyển sang. Từ tháng 4 bắt đầu có ảnh hưởng dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước giảm dần, tập trung vào 3 khu vực kinh tế giảm lớn là ngoài quốc doanh (giảm 34.000 tỷ đồng), doanh nghiệp FDI (giảm 18.500 tỷ đồng), doanh nghiệp nhà nước (giảm 22.500 tỷ đồng). “Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng dịch bệnh và các yếu tố khách quan khác, thu ngân sách nhà nước đã giảm 80.000 tỷ đồng. Có 43/63 địa phương có tiến độ thu cao hơn mức trung bình cả nước, trong đó 34 địa phương đạt trên 50% dự toán… Qua rà soát 16 địa phương có khoản thu điều tiết về trung ương thì có 5 địa phương thu trên 50%, trong đó, nhiều địa phương đạt khá như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương”, ông Cao Anh Tuấn cho biết. Theo người đứng đầu ngành Thuế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chỉnh phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế các cấp đã tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách gia hạn nộp thuế tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; thực hiện nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất bằng hình thức trực tuyến. Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo đúng tinh thần tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tại Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ. Một điểm nổi bật nữa trong công tác thuế 6 tháng đầu năm là việc đẩy mạnh điện tử hoá quản lý thuế, kết nối thành công 93 thủ tục thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời hoàn thành việc đơn giản hóa 2 thủ tục hành chính mức độ 3, điện tử hóa nâng lên mức độ 4. Theo đó, tổng số 93 thủ tục thuế được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đều đạt mức độ 4. “Như vậy, về nhiệm vụ triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành 100% kế hoạch Bộ giao trước 6 tháng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ. Cùng với đó, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Hiện tại, đã có gần 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Đối với doanh nghiệp, ngành Thuế đã đẩy mạnh 100% kê khai điện tử; 98% nộp thuế điện tử; 96% hoàn thuế điện tử. Đối với cá nhân, đang thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử thí điểm trước bạ đối với ôtô, xe máy và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cho thuê nhà… Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu ngân sách nhà nước năm 2020 Nói về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Cao Anh Tuấn cho biết, với tinh thần không nhụt chí, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, toàn ngành Thuế quyết tâm rà soát, tìm kiếm nguồn thu để bù đắp các khoản hụt thu, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, từ nay đến cuối năm, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ Tài chính đã chỉ đạo, toàn ngành thuế sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể. Theo đó, ngành Thuế sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo tinh thần Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị quyết 42. Cụ thể, đối với Nghị định 41/2020/NĐ-CP, theo tính toán ban đầu sẽ gia hạn 180.000 tỷ đồng nhưng hiện nay mới gia hạn được 43.000 tỷ đồng, vì vậy, cơ quan Thuế vẫn đang tiếp tục tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân thuộc diện được hưởng gia hạn tiếp tục kê khai. Ngành Thuế cũng tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, dự kiến thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 11.900 tỷ đồng, lệ phí trước bạ giảm 3.700 tỷ đồng, tiền thuê đất là 1.800-2.000 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 1.650 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 450 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai xử lý nợ theo tinh thần Nghị quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội; triển khai Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó trên cơ sở nghị định Chính phủ ban hành, Tổng cục Thuế khẩn trương báo cáo Bộ Tài chính ban hành các thông tư hướng dẫn để kịp thời tập huấn trong tháng 7-8. Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó phấn đấu tăng xếp bậc thuế trong báo cáo môi trường kinh doanh từ 7-10 bậc. Đến nay, Tổng cục Thuế đã làm việc trực tuyến với Ngân hàng thế giới rà soát 4 chỉ tiêu (tổng mức thuế suất, chỉ số sau kê khai, thời gian nộp thuế và số lần nộp thuế) đảm bảo đề xuất Bộ Tài chính và Chính phủ thực hiện nâng hạng. Bên cạnh hỗ trợ giảm, giãn thời gian nộp thuế, xoá nợ thuế, Tổng cục Thuế đã tuyên truyền, triển khai các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế; kiên quyết áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo đúng quy định đối với những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cố tình chây ỳ, lợi dụng chính sách. Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định ngành Thuế sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế thông qua tăng cường kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh tra chống chuyển giá; thực hiện tối đa áp dụng công nghệ thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu phân tích rủi ro, thực hiện 1 bước thanh kiểm tra, hạn chế thanh kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. “Sau khi hết giãn cách xã hội, ngay tháng 5 ngành thuế đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Kết quả, chỉ 2 tháng đã thu được qua kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế là 682 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, cơ quan đăng ký kinh doanh rà soát cơ sở dữ liệu, đánh giá rủi ro những thương vụ chuyển nhượng vốn, dự án, góp phần tăng thu vào những khoản hụt thu”, ông Cao Anh Tuấn nói. Đặc biệt, "tư lệnh" ngành Thuế khẳng định sẽ đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật nội ngành, chấn chỉnh lề lối làm việc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính. |