Theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng bền vững không chỉ giúp các công ty tăng trưởng trong dài hạn mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng. Việc áp dụng các nguyên lý bền vững vào từng bước trong quá trình sản xuất, từ nguồn cung nguyên liệu, chế biến đến phân phối và tái chế, đang trở thành yếu tố then chốt để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường. Theo TS. Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, doanh nghiệp muốn vận hành “xanh hơn” có thể cân nhắc các biện pháp đơn giản tại nơi làm việc. Chẳng hạn như đặt thùng rác tái chế ở các vị trí chiến lược, thêm ghi chú gần công tắc đèn cho thấy lượng khí thải CO2có thể tiết kiệm khi tắt đèn, hoặc thiết kế bảng điều khiển nhiệt độ phòng để ngăn việc sử dụng điều hòa không khí khi không cần thiết… TS. Hà Thị Cẩm Vân cũng cho rằng, những thay đổi nhỏ như trên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng mang lại lợi ích kép. Đó là giảm chi phí đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Các công ty lớn thậm chí còn có nhiều tiềm năng hơn, bằng cách đầu tư vào những công nghệ xanh như pin mặt trời, sửa đổi quy trình sản xuất và đưa tính bền vững vào văn hóa doanh nghiệp.
Cũng về vấn đề này, theo ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược McKinsey & Company Việt Nam, doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu suất vượt trội khi biết cách hài hòa 3 khía cạnh: tăng trưởng, lợi nhuận và ESG. Nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Đó là việc đầu tư vào các công nghệ xanh, áp dụng các quy trình sản xuất sạch và bền vững thường tốn kém hơn so với các phương pháp truyền thống. Hơn nữa, khi xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, doanh nghiệp cần hợp tác với các đối tác có chung cam kết về bảo vệ môi trường và xã hội. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những đối tác này đôi khi gặp khó khăn vì không phải tất cả các nhà cung cấp đều tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, xây dựng môi trường và văn hoá làm việc theo hướng "xanh hoá" cần được thực hiện đồng bộ bằng cách vận động, tuyên truyền từ nhân viên đến lãnh đạo doanh nghiệp... Chẳng hạn, mới đây, nhằm nâng cao nhận thức và thực hành về an toàn vệ sinh lao động, Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức Chương trình Tập huấn về an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động thu gom, tái chế rác thải cho các đơn vị đối tác. Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động đã cho rằng, xây dựng một môi trường làm việc an toàn, hiệu quả và đảm bảo sức khỏe cho người lao động có thể giúp nâng cao chất lượng công việc, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động. Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ, việc trang bị kiến thức thiết yếu cũng như nâng cao nhận thức về các mối nguy cho các đơn vị thu gom và tái chế, sẽ góp phần bảo vệ quyền cũng như đảm bảo các các điều kiện làm việc của người lao động. Hiểu được vấn đề này, ông Hưng cho hay, Công ty cũng đã có nhiều sáng kiến và chương trình cụ thể nhằm nghiệp tiên phong thực hành ESG, trong đó có việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nỗ lực xây dựng một tương lai không có rác thải. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Gia Huy Chương, Giám đốc Điều hành PRO Việt Nam cũng nhận định việc nâng cao nhận thức và kiến thức sẽ hỗ trợ tạo nên một hệ sinh thái tái chế bền vững tại Việt Nam. Từ những vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần sáng tạo và linh hoạt để xây dựng một chuỗi cung ứng xanh, góp phần vào việc xây dựng một tương lai không chỉ phát triển về mặt kinh tế mà còn bảo vệ được những giá trị cốt lõi của môi trường và xã hội. |