Người mà bạn tôi gọi bằng má thực ra là vợ hai của cha nó. Năm 6 tuổi,ạnvớty lê bong đá cha mẹ bạn ly hôn. Bạn chạy muốn sút dép đuổi theo chiếc xe chở mẹ ruột vào Nam, tới lúc khói xe, bụi đường tan hết trong gió, mới biết rằng mẹ đã bỏ rơi mình thật rồi. Hai năm sau, cha bạn đi bước nữa, lấy một người phụ nữ tính tình hiền lành, dễ chịu. Thiếu thốn tình cảm của mẹ, bạn tôi đã gọi vợ kế của cha là má. Người đời có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” Nhưng trường hợp của bạn tôi thì ngược lại. Má của bạn tôi quanh năm cắm cúi bán rau, củ ở chợ quê. Tờ mờ sáng gà còn chưa gáy, cô đã thức dậy nhen lửa nấu nồi cơm nóng dẻo, kho nồi cá thơm nức cho 2 cha con đang cuộn mình trong chiếc mền ấm. Rồi cô đạp xe đi lấy hàng, chở ra chợ dọn bán. Quanh năm cô miệt mài mưu sinh, chăm lo cho gia đình. Và rồi vì làm việc quá sức lại không để ý sức khỏe, cô đã không giữ được đứa con trong bụng. Từ đó về sau, cô dành tất cả sự quan tâm và tình yêu thương cho bạn. Cô quyết định không sinh thêm con chỉ để toàn tâm, toàn ý chăm sóc gia đình 3 người. Mỗi thời điểm quan trọng trong đời bạn đều có má cạnh bên. Lúc bạn đau ốm hay bị tai nạn đi cấp cứu, má luôn sốt sắng lo lắng, chăm sóc cả ngày lẫn đêm. Má đi họp phụ huynh cho bạn, đỡ giùm đòn roi khi cha tức giận vì điểm thấp. Má an ủi những lúc bạn gặp chuyện buồn trong học tập hoặc các mối quan hệ bạn bè. Má mừng rỡ khoe khắp xóm chuyện bạn đậu đại học, âm thầm gom góp tiền dấm dúi cho bạn vào Nam. Tháng nào má cũng gửi mớ rau, củ, quả nhà trồng, trứng gà so, thịt gà ta, đặc sản nem, chả quê vào cho bạn. Mỗi lần bạn về nhà thì đồ ăn ngon ê hề… Quả thật, công sinh không bằng công dưỡng. Được hết lòng chăm chút, bạn xem má như má ruột. Chuyện vui buồn gì cũng chia sẻ với má đầu tiên. Có những bí mật chỉ 2 má con biết với nhau. Có điều gì trăn trở, băn khoăn khi mới vào đời, bạn đều tìm đến má xin lời khuyên. Cứ về nhà là bạn lại tíu tít kể đủ chuyện cho má nghe. Bạn nói vui rằng, trong nhà luôn chia thành 2 phe, bạn với má một phe, cha thuộc phe còn lại. Nếu cha và má tranh cãi, bạn sẽ đứng về phía má, bênh vực má ở mọi thời điểm. Càng lớn tuổi cha bạn càng trái tính trái nết. Nhiều lần cha kiếm chuyện vô cớ khiến má tủi thân, buồn bực. Vì thế, bạn cố gắng dành thời gian chuyện trò, tâm sự với má. Hai má con như 2 người bạn, có khi cùng “nói xấu” cha để xả cơn tức. Làm ra tiền, bạn mua thật nhiều đồ ngon, quần áo mới cho má; thực phẩm chức năng, thuốc bổ đầy tủ. Mỗi năm bạn dẫn má đi khám sức khỏe định kỳ. Bạn dành thời gian rảnh rỗi chở má đi chơi để khuây khỏa. Bạn nói, má đã vất vả cả đời, bây giờ bạn sẽ là người chăm sóc và giúp má vui vẻ những năm tháng sau này. Có câu: Làm bạn với con rất khó, nhưng tôi nghĩ làm bạn với cha mẹ lại càng khó hơn. Cách biệt 2 thế hệ khiến người trẻ không thể thấu hiểu những nỗi niềm cha mẹ, tâm lý, cảm xúc tuổi già. Tôi đã học được rất nhiều từ câu chuyện của bạn. Có lẽ, tôi cũng phải cố gắng trở thành một người bạn của má mình. |