Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là đảm bảo cơ sở pháp lý để giải quyết vướng mắc phát sinh và bao quát các trường hợp đặc thù. Đồng thời nâng cao tính pháp lý, minh bạch của chính sách và đồng bộ với quy định của pháp luật khác.
Chính vì vậy, tại dự án Luật này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế Bảo vệ môi trường, Tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện giao thông đường bộ - ô tô...); đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế, giá tính thuế đối với trường hợp áp dụng mức thuế tuyệt đối, trường hợp áp dụng thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối; bổ sung quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB và một số trường hợp đặc thù. Bộ Tài chính cũng thực hiện sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế TTĐB.
Cụ thể, về việc bổ sung quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB, theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, khái niệm về tàu bay rất rộng bao gồm tất cả những thiết bị bay như Flycam để quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, khí cầu, máy bay đồ chơi trẻ em điều khiển từ xa... Theo Bộ Tài chính, nếu thu thuế TTĐB đối với các thiết bị bay, khí cầu, máy bay, đồ chơi trẻ em thì chưa phù hợp với mục tiêu của chính sách thuế TTĐB.
Bên cạnh đó, trên thực tế có phát sinh trường hợp doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không nhập khẩu máy bay để phục vụ đào tạo phi công.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh trường hợp xe ô tô chạy trong khu di tích lịch sử, trường học, bệnh viện không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Ngoài ra, cũng có phát sinh các trường hợp cần được hướng dẫn về xe ô tô chuyên dụng không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Ngoài ra, theo Tiêu chuẩn TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng và Quyết định số 2431/QĐ-BKHCN ngày 08/11/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ về công bố sửa đổi 2:2010 TCVN 7271:2003 Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng thì không có phân loại xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng.
Bên cạnh đó, trên thực tế thực hiện đã có phát sinh vướng mắc việc xác định xe bốn bánh chở người có gắn động cơ có thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB hay không (do theo TCVN thì xe bốn bánh chở người có gắn động cơ không được gọi là ô tô).
Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải quy định cho phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về xe ô tô.
Một trong những mục tiêu quan trọng khác của Dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi là sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế, giá tính thuế. Theo đó, trên cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung một số dịch vụ vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần thiết phải quy định giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng cần sửa đổi để bao quát quy định về giá tính thuế TTĐB đối với một số trường hợp như cho thuê, cho mượn các thiết bị kèm theo hàng hóa.
Đáng chú ý, tại Dự án Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính cũng sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế TTĐB. Theo đó, hiện xăng sinh học E5, E10 được pha chế theo tỷ lệ tương ứng 95%, 90% xăng RON92 (mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB) với 5%, 10% cồn sinh học. Căn cứ vào quy định nêu trên, cơ sở sản xuất, pha chế xăng sinh học được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp hoặc đã trả của nguyên liệu xăng khoáng khi xác định số thuế TTĐB phải nộp của mặt hàng xăng sinh học.
Do thuế suất thuế TTĐB của xăng nguyên liệu là 10% trong khi thuế suất của xăng sinh học chỉ là 8% hoặc 7% nên doanh nghiệp sản xuất, pha chế xăng sinh học luôn phát sinh số thuế TTĐB chưa được khấu trừ (khoảng 1,5%/giá bán xăng sinh học). Đây là khoản tiền thuế tương tự như tiền thuế nộp thừa và theo Luật Quản lý thuế, số tiền thuế nộp thừa được xử lý hoàn. Do vậy, căn cứ thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB quy định hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết (Quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 14/2019/NĐ-CP).
Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường và để đảm bảo tính ổn định của chính sách cũng như nâng cao tính pháp lý, minh bạch của chính sách, cần thiết bổ sung nội dung quy định cho hoàn trả thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết vào Luật.
Mặt khác, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đối với trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp thì công ty chuyển đổi sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty được chuyển đổi. Để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng chính sách để lập hồ sơ hoàn thuế TTĐB, cần nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với Luật Doanh nghiệp.