Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Matteo Renzi trao đổi về tình hình trên biển Đông Ảnh: TTXVN |
Nằm ở phía Nam châu Âu, Italia có diện tích 301.338 km2 và có hình giống như một chiếc ủng. Phía bắc “chiếc ủng” giáp với Pháp, Thụy Sĩ, Áo; ba mặt: đông, tây và nam được bao bọc bởi biển Địa Trung Hải. Những ai từ Việt Nam từng đặt chân đến đất nước Italia, nếu lại có dịp đi từ cực Bắc xuôi xuống tận cùng “miền gót ủng” sẽ có nhiều lúc cảm tưởng như đi dọc từ Bắc vào Nam đất nước hình chữ S. Quả thật, quốc gia hình chiếc ủng và đất nước hình chữ S có những nét khá tương đồng: Có ba miền Bắc, Trung, Nam rõ rệt, núi non ngút ngàn thoải dần xuống phương Nam với mênh mông biển rộng kề bên (khác là Việt Nam chỉ có biển đông còn Italia có cả biển phía đông và phía tây). Và nữa, nếu ai tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của Italia cũng sẽ thấy na ná như cơ cấu phát triển kinh tế của Việt Nam về hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng năm đóng góp tới gần 2/3 tổng sản phẩm quốc dân. Không biết có phải do có những nét tương đồng về địa lý, xã hội mà quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia Việt Nam và Italia từ lâu đã rất hữu nghị và gần gũi.
Đầu tháng 5/2015, ông Antonio Turatti - Chủ tịch Tập đoàn Turatti (tập đoàn chế biến thực phẩm và hoa quả nổi tiếng ở miền Bắc Italia) đã đến Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ Vietnam Food Expo lần thứ nhất tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh từ ngày 13 - 16/5. Ngay sau khi đặt chân đến Hà Nội, từ sân bay quốc tế Nội Bài, ông A. Turatti và các thành viên trong đoàn đã tới thẳng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường Hoàng Diệu thắp hương tưởng nhớ vị tướng tài danh mà ông từng gặp gần 30 năm trước trên đất Italia. Ngày hôm sau, đoàn của ông A.Turatti vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể chi tiết trên để nói rằng, từ những thập niên giữa của thế kỷ trước, nhân dân và một số đảng phái, chính giới Italia đã rất ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những tên tuổi lớn được người Italia khâm phục, ngưỡng mộ và kính trọng!
Đoàn doanh nghiệp Italia trao tặng tập album ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông Võ Điện Biên (con trai của Đại tướng) tại nhà riêng |
Không ngẫu nhiên, Cộng hòa Italia là quốc gia Tây Âu sớm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam (23/3/1973), là nước đi đầu nối lại và phát triển quan hệ, hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ trì trệ bởi cái gọi là vấn đề Campuchia (1979 - 1989). Sau này, Italia cũng là nước Tây Âu đầu tiên ủng hộ việc tăng cường hợp tác ủng hộ Việt Nam và Liên minh châu Âu tại các diễn đàn quốc tế cũng như bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế.
Mở đầu là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Italia G. De Michelis (tháng 12/1989), hai nước đi đến khẳng định duy trì thường xuyên việc trao đổi các đoàn cấp cao quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương về nhiều mặt. Việt Nam coi Italia là một trong những cầu nối quan trọng để mở rộng hợp tác với Liên minh châu Âu, còn Italia coi Việt Nam là “đầu cầu” để thâm nhập vào châu Á, nhất là các nước ASEAN. Vào những năm cuối thập niên cuối cùng của thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam như: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà… đã thực hiện các chuyến thăm chính thức Italia. Ở chiều ngược lại, cùng thời gian này, ngoài Phó Thủ tướng Italia G. Franco Fini đã đến Hà Nội dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 5), Chủ tịch Hạ viện Pier Ferdinando Casini, Bộ trưởng Ngoại giao Masisimo D’Alerma, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Claudio Ssajola… cũng đã có các chuyến thăm và làm việc với Việt Nam.
Không dừng lại, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quan hệ hữu nghị và hợp tác, phát triển Việt Nam - Italia thực sự bước sang một kỷ nguyên mới. Đầu tiên phải nói đến chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italia từ ngày 20 - 22/1/2013 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hai nước đã ký Tuyên bố chung Quan hệ đối tác chiến lược. Đây là một sự kiện trọng đại diễn ra trước thềm hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 9 và 10/6/2014, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam. Việc ông Matteo Renzi chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở thành Thủ tướng (22/2/2014), đồng thời cũng là Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Italia thăm chính thức Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chứng tỏ tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia là đối tác chiến lược của nhau không ngừng phát triển ở một tầm cao mới. Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Matteo Renzi cùng phu nhân và các thành viên cấp cao đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giữa tháng 10/2014, chỉ hơn 3 tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Matteo Renzi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có mặt ở Milan dự Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM 10), sau đó thăm chính thức Italia. Tại hội đàm, một lần nữa Thủ tướng Matteo Renzi khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Với cương vị là Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2014, Italia đã ủng hộ và thúc đẩy EU sớm kết thúc đàm phán để đi đến ký kết EVFTA với Việt Nam. |
Bài 2: Tăng tốc và bứt phá trong quan hệ thương mại