Nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thuộc diện được hỗ trợ (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát) Động viên lúc khó khăn Suốt gần hai năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19,ỗtrợnghệsĩmùadịbxh bd chau au nghệ sĩ Trần Tuấn Lin cũng như nhiều nghệ sĩ khác ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế gặp nhiều khó khăn. Trước đây, ngoài các chương trình biểu diễn của nhà hát, Tuấn Lin còn tham gia biểu diễn ở các show diễn để có thêm thu nhập. Bây giờ, sân khấu không sáng đèn, đồng nghĩa với việc thu nhập tăng thêm chẳng có. Với những nghệ sĩ hạng 4, cuộc sống càng khó khăn hơn khi khoản tiền lương của họ chỉ tầm hơn 3 triệu đồng/tháng. Nghệ sĩ Tuấn Lin chia sẻ: “Tôi công tác ở nhà hát đến nay hơn 17 năm, mức lương thấp nên không đủ trang trải cuộc sống. Dịch bệnh khiến các hoạt động văn hóa nghệ thuật phải tạm dừng, nghệ sĩ không được đứng trên sân khấu khiến cuộc sống của chúng tôi càng thêm khó khăn”. Nhiều nghệ sĩ khác công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế có chức danh nghề nghiệp hạng 4 cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi nhà hát đóng cửa thời gian dài. NSND. Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết: “Từ ngày 30/4 đến nay, nhà hát phải đóng cửa do dịch COVID-19. Không được đứng trên sân khấu, anh em nghệ sĩ nhớ nghề đã đành, lại còn đối mặt với khó khăn của cuộc sống. Trước đây, ngoài lương, họ còn làm thêm, như biểu diễn ca Huế trên sông, tham gia các show diễn nhưng giờ các sự kiện đều ngưng trong thời gian dài. Tất nhiên đây là khó khăn chung, nhưng nhiều nghệ sĩ hạng 4 của nhà hát hưởng mức lương rất thấp nên không làm thêm, đời sống rất khó khăn”. Một thông tin vui được các nghệ sĩ đón nhận trong những ngày này, trong số 26.000 tỷ đồng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ có một phần dành cho nghệ sĩ bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19. Căn cứ vào các tiêu chuẩn được hỗ trợ, toàn tỉnh có 135 diễn viên, nghệ sĩ có chức danh nghề nghiệp hạng 4, hiện đang công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế thuộc diện được hỗ trợ với mức 3.710.000 đồng. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp tiến hành chi trả hỗ trợ cho các nghệ sĩ. Nghệ sĩ Phạm Thị Lệ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế) cảm động: “Gần hai năm nay, di tích vắng khách, nhiều lần phải đóng cửa, nhà hát cũng không thể tổ chức biểu diễn. Doanh thu của cơ quan không có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của cá nhân. Sự hỗ trợ này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên nghệ sĩ chúng tôi rất vui. Dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng là nguồn động viên kịp thời trong lúc khó khăn, không những về vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần, giúp nghệ sĩ cố gắng bám nghề”. Cần mở rộng đối tượng hỗ trợ Thừa Thiên Huế có số lượng lớn nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, tiêu chuẩn được nhận hỗ trợ là nghệ sĩ, diễn viên hạng 4, hoạt động trong khối công lập. Chiếu theo tiêu chuẩn này, số nghệ sĩ được nhận hỗ trợ của Chính phủ chỉ mới dừng lại ở đội ngũ viên chức Nhà nước, rất ít so với toàn bộ lực lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung trên địa bàn tỉnh. Theo ước tính của ngành văn hóa, riêng lực lượng tham gia biểu diễn ca Huế trên sông Hương khoảng hơn 600 người, trong đó hơn một nửa là nghệ sĩ hoạt động tự do. Gần hai năm không có thu nhập và chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại, họ gặp rất nhiều khó khăn. Nghệ sĩ Thu Thủy kể, từ khi ca Huế sông Hương ngừng hoạt động, chị thất nghiệp, phải trả lại phòng trọ ở Huế để về quê Phong Điền, phụ gia đình công việc đồng áng trang trải qua ngày. Vì thế, sự hỗ trợ tương tự cần được mở rộng cho lực lượng nghệ sĩ đang hoạt động tự do, đối tượng bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh. Đây là điều mà nhiều nghệ sĩ đang rất mong chờ, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục giữ lửa với nghề. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, tại phiên họp HĐND tỉnh vừa qua, ông đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh cần xem xét có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn đối với lực lượng văn nghệ sĩ, không chỉ xem xét hỗ trợ cho những người hoạt động trong khối công lập mà còn tính toán hỗ trợ cho đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động tự do. Với cán bộ viên chức Nhà nước, dù khó khăn nhưng vẫn có lương, còn nghệ sĩ hoạt động tự do, họ gặp khó khăn hơn rất nhiều. “Với hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương, có đến một nửa nghệ sĩ hoạt động tự do. Huế đang nỗ lực xây dựng, phát triển, đưa ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc thù, trong bối cảnh này, việc xem xét để có chính sách hỗ trợ mở rộng cho những đối tượng này là việc làm cần thiết, tiếp thêm nguồn động lực để các nghệ sĩ vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục nuôi nghề và giữ “lửa nghề”. Ngoài ra, tôi nghĩ cần xem xét để có chế độ hỗ trợ thích đáng, rộng hơn cho toàn bộ những người hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và các hoạt động dịch vụ liên quan”, ông Hải nhấn mạnh. Bài, ảnh: Minh Hiền |