Giao thông cách trở nên việc vận chuyển lâm sản gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù hiện tại nhiều nơi trong lâm phần U Minh Hạ đã có đường sá để đi lại, tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hoá (đặc biệt là lâm sản) thì nhất thiết phải đi đường thuỷ. Người dân muốn bán chuối, lúa, tràm hoặc keo lai, phải chuyên chở, khuân vác qua nhiều cống, đập, vì thế chi phí đội lên rất cao.
Ngược lại, nếu thương lái vào tận nơi thu mua nhỏ lẻ thì sẽ bị “ép giá”. Nghịch lý này vẫn còn tồn tại dù cơ chế về rừng đã có nhiều thay đổi.
Điệp khúc “ngăn sông cách chợ”
Trong cuộc họp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho rừng tràm vào cuối năm 2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng khẳng định: “Giá keo lai mua tại rừng là 700 đồng/kg (đã lột vỏ), ra tới nhà máy là 1.100 đồng/kg. Giá nghe thì rất là “kêu” nhưng bị “rơi rớt” hết dọc đường, bởi những chi phí không đáng có. Do vận chuyển thủ công và do phải đi ngang những cống đập khiến cho sản phẩm mà người dân làm ra không còn lợi nhuận bao nhiêu”.
Người dân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ chật vật vận chuyển cây tràm khai thác ra bãi tập kết. |
Và UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các đơn vị có rừng phải ngồi lại với nhau tính toán làm sao để vừa đảm bảo đủ nước phục vụ công tác PCCCR, vừa để người dân vận chuyển nông - lâm sản được dễ dàng, thuận tiện nhất.
Phương án xây dựng âu thuyền đã được đưa ra xem xét và lựa chọn. 6 âu thuyền được lắp đặt tại khu vực rừng tràm U Minh Hạ và vùng quy hoạch ngọt hoá Cà Mau, nhằm phá bế tắc giao thông thuỷ, giúp cư dân trong vùng vận chuyển nông - lâm sản nhanh chóng, thuận lợi.
Thời gian trôi qua, đã gần 2 năm, nhưng xem ra tình hình “thông thương” mua bán cũng chưa mấy khởi sắc.
Tại buổi tiếp xúc cử tri vào tháng 4/2015, nhiều cử tri ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, kiến nghị đến Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh về vấn đề bấp bênh giá cả nông - lâm sản do việc đi lại quá nhiều khó khăn. Cử tri Nguyễn Thanh Tuấn, ấp 12, xã Nguyễn Phích, cho rằng, từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến cống T29 và đưa vào sử dụng đến nay có một số cống chẳng những chưa phát huy hiệu quả mà ngược lại còn cản trở, gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nguyên nhân chính là do độ thông thuyền hẹp, không đủ kích cỡ cho các loại phương tiện vận chuyển nông sản, cơ giới lưu thông dẫn đến giá nông - lâm sản của nông dân bán ra giảm, giá thuê cơ giới phục vụ sản xuất tăng, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Nói về vấn đề thông thương mua bán, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Võ Văn Liêu trăn trở: “Trong 20 ấp của xã thì có đến 11 ấp có rừng. Mỗi năm vào mùa chống cháy là bà con gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá, nông - lâm sản. Mặc dù hiện tại UBND tỉnh đã có chủ trương cho khai thác quanh năm, nhưng nhìn chung giá cả cũng không cao hơn bao nhiêu do chi phí vận chuyển”.
Các cống đập giữ nước bắt đầu đóng lại từ khoảng tháng 9-10 (âm lịch) và đến khoảng tháng 5-6 (âm lịch) mới mở ra. Trong khi đó, mùa khô lại là mùa lâm sản có giá cao nhưng chịu cảnh “rớt giá” vì phải qua quá nhiều cống, đập. Trong 11 ấp trên lâm phần xã Nguyễn Phích thôi đã có đến 19 đập và 4 cống quay. Và thế là, mỗi năm người dân chỉ được thông thương đường thuỷ khoảng 3 tháng mùa mưa.
Tháo điểm nghẽn hạ tầng giao thông thuỷ
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển lâm sản cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng điều chỉnh 3 cống lớn trong lâm phần công ty và bước đầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông - lâm sản của người dân. Về phía công ty, sắp tới sẽ đầu tư xây dựng cầu trục ấp 1, xã Khánh Thuận để đảm bảo nhu cầu khai thác gỗ tuyến Liên tiểu khu 30/4 trong thời gian tới. Tổng kinh phí để xây dựng cầu trục này gần 1 tỷ đồng. Dự kiến cầu trục này sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015.
Thấy được những bức xúc trong vận chuyển hàng hoá của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng thi công 9 trong tổng số 19 cống ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn huyện U Minh. Ngoài việc tạm dừng thi công các cống, UBND huyện cũng đã nâng cấp, sửa chữa các cầu để tiện lợi cho việc lưu thông của người dân. Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều bộc bạch: “UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT điều chỉnh các tuyến như: xây dựng cống kinh 18; nâng độ thông thuyền cầu ở các tuyến trục chính: cầu Rạch Chùa, cầu Kinh 20, cầu 30/4… Tất cả đều thay dầm từ bê-tông sang dầm thép, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vận chuyển nông - lâm sản dễ dàng. Ngoài ra, trong quá trình khai thác thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng đã đào các kinh chuyển xuất để lâm sản vận chuyển được dễ dàng hơn”.
Người dân vẫn mong mỏi, một ngày không xa, sản vật của rừng U Minh Hạ sẽ không còn phải “luỵ đò” vì sự phát triển vượt bậc của giao thông bộ. Anh Phạm Chí Nhẫn, nông dân ấp 14, xã Nguyễn Phích, tự hào khoe: “Vụ rồi tôi thu lãi từ khai thác rừng được 150 triệu đồng (hơn 2 ha). Nhờ có đường giao thông bộ liền mạch, cây rừng được vận chuyển bằng xe nên chi phí được tiết kiệm rất nhiều. Các sản vật khác cũng vậy, thương lái chạy xe vào tận nơi mua nên đời sống người dân nơi đây khấm khá lắm”./.
Bài và ảnh: Tâm Như