Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết,ủđộngphngchốlich bong da vn hom nay dự kiến khoảng 3-4 giờ sáng ngày 26-12, bão số 16 (Tembin) sẽ đổ bộ vào đất liền ở một số tỉnh Nam bộ, trong đó có Hậu Giang, với sức gió cấp 8, giật cấp 10 nên khả năng đe dọa đến đời sống, sản xuất của người dân, do đó các địa phương cần cảnh giác. Lực lượng công an, quân sự cùng chính quyền địa phương ở huyện Long Mỹ giúp dân chằng chống nhà cửa. Trước tình hình cấp bách trên, ngay rạng sáng ngày 25-12, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã có cuộc trao đổi nhanh với các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh trước khi xuống hỗ trợ và chỉ đạo trực tiếp tại các địa phương đã được phân công trước đó. Tại buổi trao đổi, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cần phối hợp tốt với các địa phương trong chỉ đạo các giải pháp phòng tránh bão, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác chọn vị trí để di dời dân vào ở phải thật sự an toàn, di dân trên tinh thần phân tán, không tập trung đông người, mỗi điểm từ 30-50 hộ dân (tùy vào địa điểm lớn hay nhỏ), trong quá trình dân trú bão phải đảm bảo không để dân đói, khát, lạnh… Mọi công việc trong phòng, chống bão phải được các địa phương thực hiện hoàn thành trước 17 giờ chiều ngày 25-12, nhất là công tác di dời hơn 15.000 hộ dân trên toàn tỉnh cũng phải hoàn thành sớm hơn 17 giờ chiều ngày 25-12, sau đó báo cáo tình hình về Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để có giải pháp chỉ đạo kịp thời trong thời gian tiếp theo. Kết thúc buổi làm việc nhanh với các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã tiến hành đi kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống bão tại một số địa phương trong tỉnh. Ghi nhận tại thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành vào lúc từ 8-9 giờ sáng ngày 25-12, công tác phòng, chống bão đang được chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở triển khai tích cực với nhiều công việc, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các loa phóng thanh của địa phương về tình hình bão cho người dân biết, xác định được gần 600 hộ dân cần được di dời tại 25 điểm ở trường học, nhà văn hóa, UBND xã và nhà dân kiên cố. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, người dân nắm bắt được tình hình nhưng vẫn còn thờ ơ với bão. Bằng chứng là tại thời điểm kiểm tra, chưa có hộ nào chịu di dời mà còn bám trụ ở nhà. Mưa nặng hạt xuất hiện tại thị xã Ngã Bảy vào ngày 25-12. Ông Tống Hoàng Khôi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: “Bằng mọi giải pháp, chúng tôi sẽ di dời hết những hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bão vào nơi trú ẩn an toàn. Trường hợp cuối cùng là sẽ cưỡng chế để bà con đi vì tính mạng con người là quan trọng nhất”. Giống như 2 địa phương trên, tại thời điểm kiểm tra ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp vào khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, tình hình di dời 70 hộ dân của địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn do ý thức còn chủ quan của bà con, dù UBND xã đã bố trí sẵn sàng các điểm trú ẩn an toàn. Báo cáo công tác phòng, chống bão của địa phương với đoàn, ông Phạm Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, cho hay: Từ ngày 24-12, địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy, UBND xã xuống trực tiếp với các ấp để cùng chỉ đạo các giải pháp ứng phó bão, như: vận động bà con chằng chống nhà cửa, phát quang cây xanh xung quanh nhà nhằm tránh đổ ngã, gia cố đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái... Đồng thời, cũng chuẩn bị sẵn sàng 1 ghe và 2 xe tải lớn để sẵn sàng triển khai các công việc ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Thời gian còn lại tiếp tục vận động bà con di dời ra nơi trú ẩn an toàn nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân, cũng như theo dõi sát sao diễn biến bão nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời. Cùng với các địa phương trên, đến khoảng 11 giờ cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh cũng tiến hành kiểm tra tình hình phòng, chống bão tại 2 xã Tân Thành và Đại Thành, thị xã Ngã Bảy. Đặc biệt là khảo sát tại tuyến sông Cái Côn, nơi có làng nghề hầm than đang hoạt động với nhiều ghe tàu chở than, củi còn neo đậu dưới bến. Ngoài ra, do hoạt động hầm than nên đa phần các nhà nơi đây chỉ cất bằng cây gỗ và lợp lá, do đó nếu có bão đi qua thì sẽ bị sập hoàn toàn là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, công tác di dân tại các điểm này hiện cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như một số địa phương khác mà đoàn công tác đã đi kiểm tra trước đó. Từ đây, đặt ra nhiều lo ngại cho ngành chức năng. Chỉ đạo tại các địa phương khi đến kiểm tra công tác phòng, chống bão trong buổi sáng ngày 25-12, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng nhấn mạnh, bằng mọi giải pháp phải di dời hết số dân sau khi được thống kê ở từng địa phương ra trú bão ở nơi an toàn và công việc này được thực hiện ngay, chậm nhất phải hoàn thành lúc 17 giờ chiều cùng ngày. Tại nơi trú ẩn chỉ bố trí dân ở tầng dưới và những nơi thật sự an toàn. Lực lượng Công an thị xã Ngã Bảy chậm nhất đến 17 giờ chiều 25-12 cũng phải cho các ghe tàu còn đậu dọc theo tuyến sông Cái Côn thuộc xã Đại Thành và Tân Thành vào những kênh nhỏ đậu. Đồng thời, chính quyền địa phương vận động bà con ở làng nghề hầm than tìm nơi có nhà kiên cố trú ẩn để tránh bão. Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng của bão, tại các khu dân cư khu vực trung tâm xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tình hình di dân đang diễn ra khẩn trương. Do là địa phương có sông Cái đi qua nên mức ảnh hưởng các hộ dân này là rất lớn. Theo thống kê của địa phương, dọc tuyến sông Nước Trong có gần 40 hộ dân với hơn 200 khẩu có nguy cơ cao. Hiện các lực lượng của địa phương đã đưa người dân đến nơi di trú an toàn. Còn ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, do là địa bàn chưa xảy ra bão nên người dân vẫn chưa ý thức được nguy cơ của bão. Do vậy, ngay từ trước đó, xã đã tiến hành vận động để người dân di chuyển đến nơi an toàn. Ông Danh Châu, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơn bão này nếu vào đất liền thì sức tàn phá rất lớn. Do đó, sau khi được vận động, bản thân cũng vận động các hộ xung quanh di dời sang hộ dân có nhà kiên cố để tránh bão”. Ông Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, cho biết: Do từ trước đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra bão nên người dân ở xã cũng chưa hiểu rõ được sức ảnh hưởng của bão. Do đó, công tác phòng, chống không được lơ là. Hiện xã đã giao Mặt trận, đoàn thể, cán bộ ấp tiến hành vận động người dân cần di dân đến những nơi đã bố trí. Cũng như chằng chống nhà cửa để giảm thiệt hại khi mưa bão. Còn tại xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, đến nay công tác chằng chống nhà cửa của các hộ dân đã được hoàn tất. Ông Nguyễn Vũ Thành, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, thông tin: Theo thống kê, toàn xã có khoảng 120 hộ có nguy cơ cao cần phải di dời và hơn 200 căn nhà có nguy cơ bị tốc mái. Hiện xã đã hoàn tất công tác chằng chống đối với các hộ có nhà nguy cơ bị tốc mái. Số hộ còn lại có phương án di dời ngay trong chiều ngày 25-12. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Bão sẽ đổ bộ vào các địa phương trong ngày 25-12, do đó các hộ dân không được chủ quan. Với quan điểm, tính mạng con người là quan trọng nhất, do đó các địa phương không cần chờ lệnh mà phải thực hiện ngay. Điều cần làm trước mắt là vận động các hộ dân chằng chống nhà cửa. Đối với hộ có nguy cơ cao bắt buộc sẽ tiến hành giải pháp di dân. Nhưng để làm được điều này phải tiến hành tuyên truyền, vận động các hộ dân. Đồng thời, bố trí các trụ sở cơ quan, nhà thờ, chùa để phân tán các hộ dân cho hợp lý. Ngoài ra, cũng phải đảm bảo cả phương án hậu cần. Sau 17 giờ ngày 25-12 thì mọi công tác ứng phó được hoàn tất. Trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền không tiến hành các hoạt động gì khác. Ngoài ra, bố trí lực lượng để xử lý thiệt hại sau bão. Qua ghi nhận của chúng tôi, ngày 25-12, trên địa bàn tỉnh bầu trời luôn xám xịt, có thời điểm mưa khá to và kèm theo gió nhẹ ở một số địa phương. Có thông tin phấn khởi trong lúc này là theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đến 14 giờ chiều ngày 25-12, bão số 16 đang suy yếu, sức gió giảm xuống 1 cấp và có xu hướng đi chệch xuống phía Nam hơn. Tâm bão không còn đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh như ban đầu. Tuy nhiên, tình hình này không đặt ra sự lơ là cho các địa phương trong tỉnh mà tất cả đang trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Theo đó, trong ngày 25 và 26-12, các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ túc trực với các địa phương để cùng ứng phó bão. Đồng thời các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở cũng tăng cường thêm lực lượng túc trực tại cơ quan để ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Chằng chống 16.250 căn nhà và sơ tán gần 23.000 người dân nhằm chống bão Tembin Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, đến 17 giờ chiều ngày 25-12, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ giúp người dân chằng chống được 16.250 căn nhà nhằm chống chọi khi có bão số 16 (Tembin) đi qua. Về công tác sơ tán người dân, hiện đã sơ tán tại chỗ gần 23.000 người, trong đó nhiều nhất là huyện Long Mỹ với 10.113 người. Ngoài công tác trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN từ huyện, thị xã, thành phố cho đến cơ sở còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình cơn bão trên các loa phóng thanh tại địa phương để người dân biết; đồng thời, phối hợp cùng bà con tổ chức phát quang cây xanh trên các tuyến đường và xung quanh nhà nhằm phòng tránh đổ ngã khi có gió lớn gây thiệt hại về người. Đặc biệt, từ rạng sáng ngày 25-12, các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn được phân công trước đó và ngành công an, quân sự từ tỉnh đến cơ sở cũng có nhiều hoạt động để hỗ trợ các giải pháp trong phòng, chống bão với địa phương. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tiến hành đi khảo sát thực tế tình hình phòng, chống bão tại các địa phương và triển khai nhiều công việc trọng tâm từ ngày 25 đến hết ngày 26-12. Ghi nhận tình hình trong ngày 25-12, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa vừa và mưa to, trong mưa có kèm theo gió nhẹ. Đến 17 giờ chiều cùng ngày, Hậu Giang chưa ghi nhận tình hình thiệt hại do bão Tembin gây ra. Hiện các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đang tích cực túc trực địa bàn để chủ động phòng, chống bão cùng người dân. |
Bài, ảnh: H.PHƯỚC - T.THÚY |