VHO - Sau gần 9 năm được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia,ànđiệunóilýhátlýbảng xếp hạng nhì anh di sản nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu vùng miền núi Quảng Nam đã có thêm nhiều cơ hội, cũng như nỗ lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo này trong đời sống đương đại.
Đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại 6 huyện miền núi, nói lý hát lý của đồng bào Cơ Tu đang dần trở thành sản phẩm độc đáo thu hút du khách.
Theo nghệ nhân Y Kông, huyện Đông Giang, nghệ thuật nói lý, hát lý được đồng bào Cơ Tu sử dụng với nhau như một cách chuyện trò thú vị để chuyển tải tâm tình, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cách ứng xử với nhau trong đời sống sinh hoạt. Điểm độc đáo ở nói lý, hát lý chính là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa, ví cái này để hiểu nghĩa cái kia, gợi sự liên tưởng cho người nghe, từ đó hiểu cặn kẽ, đồng cảm với câu chuyện được tâm tình. Không có một “giáo trình” sẵn nào cho một buổi nói lý, hát lý mà như là một cuộc đối đáp thông qua hình ảnh, câu từ ẩn dụ so sánh thú vị, nương theo thực tế của cuộc trò chuyện mà ứng khẩu.
Chính sự uyển chuyển, khéo léo nên nói lý, hát lý được dùng như một phương thức để giải quyết các mâu thuẫn, hóa giải xích mích trong các mối quan hệ hằng ngày của đồng bào Cơ Tu. Nói lý, hát lý chính là luật tục, là những chuẩn mực được đồng bào đặt ra để duy trì nếp sống tự quản của dân làng, là lời ăn tiếng nói mang tính nhân văn sâu sắc của đồng bào Cơ Tu.
Cũng giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nói lý, hát lý đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống đương đại. Thế hệ trẻ cũng không nhiều người mặn mà loại hình này khi ngày càng tiếp cận với nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa, giải trí hiện đại. Bởi vậy thời gian qua, nhiều địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của di sản độc đáo này. Đặc biệt huy động đội ngũ trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu cùng bảo tồn, truyền dạy, mở các lớp dạy nói lý, hát lý cho thanh niên đồng bào Cơ Tu. Tổ chức các câu lạc bộ hát lý, nói lý trong các trường THCS. Gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị văn hóa này cùng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng miền núi.
Một cách làm hay của huyện Tây Giang đó là, bên cạnh việc tuyên truyền cho đồng bào hiểu được những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, huyện mời các già làng tham gia vào câu lạc bộ nói lý, hát lý, qua đó truyền dạy cho những người có đam mê loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt nhấn mạnh, phát huy tối đa vai trò của các già làng, trưởng thôn trong việc tuyên truyền, vận động bà con lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu.
Nhiều trường học ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam cũng rất chú trọng việc truyền dạy, hướng dẫn thực hành, trải nghiệm văn hóa truyền thống cho học sinh như dệt thổ cẩm truyền thống, thi gói bánh sừng trâu, thi bắn nỏ, trình diễn trang phục truyền thống Cơ Tu… Tổ chức các khóa truyền dạy nghệ thuật đánh trống, chiêng kết hợp múa tâng tung da dá, nói lý, hát lý, hát giao duyên Cơ Tu để các em làm quen, hiểu hơn và có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Tỉnh Quảng Nam cũng triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại 6 huyện miền núi của tỉnh. Hỗ trợ, phát huy một số loại hình văn hóa các đồng bào dân tộc nhằm thực hiện các mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Trong đó tập trung hỗ trợ các nội dung: Bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số miền núi; Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng; Phục hồi, bảo tồn và phát huy nghề dệt và trang phục truyền thống; lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc như múa Tân tung da dá, nói lý hát lý, điêu khắc…