Những ngày gần đây,ấtkhẩusốkeo ngon dem nay giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng cao và đang dao động ở mức “đỉnh điểm” trong hơn 2 năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, song vào thời điểm này nhiều hộ nuôi không còn cá để bán...
Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang.
Nhiều hộ nuôi tiếc nuối
Chỉ hơn một tuần trở lại đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục tăng vọt làm cho nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, hiện tại người nuôi không đủ sản lượng để bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ghi nhận tại vùng nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, nông dân đang tập trung chăm sóc ao cá nuôi của mình với niềm vui khi giá cá liên tục tăng cao. Ông Nguyễn Hữu Trí, thành viên HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, cho biết: “Gia đình có 4 ao nuôi cá tra (mỗi ao bình quân khoảng 400 tấn cá), hiện tại đang dồn sức chăm sóc chu đáo từ khâu cho ăn, nguồn nước luôn kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo cho cá đạt chất lượng để xuất bán vào cuối tháng này”.
Cá tra được giá cao nhưng cần thận trọng mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, vui mừng cho biết: “Sau hơn 2 năm cá tra rớt giá thê thảm khiến hàng loạt hộ nuôi ở ĐBSCL lỗ te tua thì những ngày qua giá tăng vọt. Nếu như đầu tuần trước giá cá tra còn ở mức 24.000 đồng/kg thì đến cuối tuần đã tăng lên hơn 26.000 đồng/kg. Hiện nay đã nhảy vọt từ 28.000-30.000 đồng/kg…”. Dù giá cá tra đang ở mức cao, nhưng 16 thành viên của HTX không có đủ sản lượng để bán cho các doanh nghiệp. Ông Bùi Văn Sự, ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành, trầm ngâm: “Từ hôm tết 2022 đến nay giá cá tra diễn biến theo chiều hướng có lợi cho người nuôi nên ai cũng mừng. Dù vậy, do tác động của dịch Covid-19, cộng với các năm qua giá cá thấp khiến người nuôi lỗ nên chưa dám tái đầu tư…”.
Tại Vĩnh Long, An Giang, thành phố Cần Thơ… tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho hay, thời điểm trước tết 2022, giá cá tra còn thấp khoảng 23.800 đồng/kg, nhưng do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước khiến các ao nuôi cá bị thiệt hại nhiều. Thế là gia đình tôi đã bán hơn 600 tấn cá nguyên liệu, chẳng có lời được gì, chưa kể doanh nghiệp mua cá nhưng còn thiếu nợ đến nay chưa trả dứt. Giờ giá cá tăng lên từ 28.000-30.000 đồng/kg, xem như có lãi từ 3.000-5.000 đồng/kg, nhưng cá trong dân không còn bao nhiêu…
Thận trọng khi ào ạt mở rộng diện tích
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), phân tích: “Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục và giá xuất khẩu cũng tăng theo. Đến thời điểm sau tết, hầu hết các thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á… đều ráo riết tìm mua cá tra. Hiện các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang xuất khẩu cá tra phi lê sang một số nước châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2-3,4 USD/kg, riêng thị trường Hoa Kỳ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên… Đây là mức giá xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng 2 năm qua. Nguyên nhân cốt lõi là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo”. Ông Đạo cho rằng, với giá cá tra nguyên liệu và giá xuất khẩu hiện tại thì người nuôi cá ở ĐBSCL và cả doanh nghiệp đều thuận lợi, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có cái khó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cước tàu cũng tăng, trong khi tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá còn nhiều, từ đó khiến chi phí giá thành của cá tra tăng và giảm một phần tính cạnh tranh.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, từ nay đến quý II/2022 sản lượng cá có thể sụt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi thời gian giãn cách trước đó đã ảnh hưởng đến việc thả giống bị đứt gãy, gián đoạn. Qua nghiên cứu và nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp thì đây là thời điểm tốt nhất, giá cá tra không chỉ ở mức như hiện nay mà có thể tăng thêm nữa. Cho thấy tín hiệu mừng để nông dân khôi phục, phát triển ngành nghề nuôi cá tra. Mặc dù vậy, người nuôi cũng cần thận trọng, không nên vội vàng mở rộng diện tích khiến dư thừa sản lượng và dẫn tới giá sụt giảm. Để phát triển bền vững, các hộ nuôi cá cần liên kết chặt với các doanh nghiệp, nhằm đưa ra phương án nuôi, thời điểm thu hoạch… hợp lý, chất lượng đảm bảo. Trong sản xuất cũng cần cân đối sản lượng cá tra vừa đủ hoặc thiếu một ít thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đạo lưu ý: “Câu chuyện mỗi khi cá tra được giá thì nhiều nơi ùn ùn mở rộng diện tích, để rồi vài tháng sau đó thừa nguyên liệu và rớt giá trở lại, khiến người nuôi thua lỗ, được lặp đi lặp lại trong những năm trước đây. Vì vậy, lần tăng giá này chúng ta cần bình tĩnh đón nhận và đưa ra phương án ứng phó lâu dài theo hướng phát triển bền vững, không nóng vội chủ quan. Theo đó, cần phân tích kỹ nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường trong thời gian tới để cung ứng sản phẩm cá tra phù hợp về chất lượng và giá cả. Không nên tăng quá nhiều diện tích nuôi cá, cũng như sản lượng; mà các tỉnh ĐBSCL cần liên kết, điều phối sao cho nguồn cung của cá tra luôn thấp hơn một chút so với nhu cầu thị trường thế giới. Có như vậy thì mới giữ được giá tốt khi xuất khẩu và đầu ra của người nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ được thuận lợi…”.
Bài, ảnh: HƯNG TÂN - AN QUỐC