Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đi đôi với quá trình cải cách TTHC trên các lĩnh vực, giảm mạnh, bãi bỏ những TTHC gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện chế độ "một cửa", "một cửa liên thông" đã được triển khai và được xem như một giải pháp trong đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức". Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được triển khai gần 14 năm và đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân, doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện các TTHC, tăng hiệu suất công việc. Dự thảo về Nghị định cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC được xây dựng dựa trên kinh nghiệm triển khai các chương trình, dự án tại các cơ sở. Trong đó, nhấn mạnh vai trò giám sát của người dân trong việc đánh giá các TTHC công. Hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công theo hướng lấy người dân làm trung tâm của cải cách hành chính, công khai minh bạch các thủ tục, trình tự thực hiện thủ tục; rút ngắn thời gian, giảm tối đa chi phí thực hiện, kết nối nhanh giữa người dân và cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực liên quan, đẩy mạnh xây dựng hệ thống dịch vụ hành chính công điện tử, cổng chính phủ điện tử và công dân điện tử nhằm loại bỏ mọi chi phí không chính thức Bà Babeth Ngọc Hân Lefur – Giám đốc Oxfarm tại Việt Nam đánh giá, Dự thảo nghị định đã có nhiều điểm mới, tiến bộ như nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình, đảm bảo sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện TTHC theo chế độ một cửa, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong vận hành văn phòng một cửa điện tử. Những điểm mới này là then chốt góp phần hiện thực hóa nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công. "Kinh nghiệm từ 1 số nước trên thế giới cho thấy, nhiều yêu cầu của hệ thống TTHC minh bạch và hiệu quả chỉ có thể giải quyết được khi áp dụng công nghệ thông tin hệ thống hành chính điện tử. Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ hành chính công tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giao dịch, loại bỏ mọi chi phí không chính thức là hết sức cần thiết", bà Babeth Ngọc Hân Lefur nói.
Đại diện Oxfarm cũng góp ý nghị định cần quy định giám sát dịch vụ hành chính công thông qua ý kiến đánh giá độc lập, khách quan của các tổ chức, quy định lộ trình xây dựng và vận hành hệ thống một cửa điện tử phù hợp với lộ trình chung vận hành Chính phủ điện tử; xây dựng hệ thống giám sát và các chỉ số đánh giá, trong đó có sự tham gia của người dân. Trong đó có phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Theo kết quả của Dự án M - Score do Oxfam cùng đối tác triển khai tại Quảng Bình và Quảng Trị trong 2 năm, trong đó lấy người dân là đối tượng đánh giá, chấm điểm chất lượng dịch vụ công cho thấy, thực hiện phản hồi chất lượng dịch vụ qua đường dây nóng, gọi điện phỏng vấn người dân, chấm điểm thông qua máy tính bảng đặt tại văn phòng một cửa cấp huyện đã góp phần thay đổi suy nghĩ và ứng xử của cán bộ hành chính công. Điều này cũng cho thấy vai trò của người dân trong việc kiểm tra, giám sát là rất lớn và cần được thể chế hóa đưa vào nghị định. |