Đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 28
Ngay sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW (Nghị quyết số 28) được ban hành, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các địa phương và Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28. Có thể thấy rằng, từ khi nghị quyết số 28 ra đời đến nay, việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 28 và các Nghị quyết của Chính phủ đã được các địa phương thực hiện tích cực, với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị.
Chia sẻ về tình hình thực hiện Nghị quyết 28, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trong 3 năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động để từng bước đưa Nghị quyết số 28 vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả thông qua việc ban hành chương trình hành động, các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương… Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và tích cực tham gia. Đồng thời, tiếp tục củng cố, mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu; đa dạng các dịch vụ đóng - hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, ngân hàng…
Về phía các địa phương, thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, 100% BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 tại địa phương và kiến nghị để Hội đồng nhân dân các cấp đưa chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Từng bước mở rộng diện bao phủ
Thực hiện chủ trương phát triển BHXH cho mọi người lao động (NLĐ) của Đảng và Nhà nước ta, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác thực hiện chính sách BHXH và đã đạt được những mục tiêu cơ bản.
Cụ thể, theo ông Trần Đình Liệu, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT và mạng lưới cộng tác viên của ngành BHXH đã được mở rộng. Đến nay, đã có trên 12.400 đại lý thu, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu. Hệ thống đại lý thu được phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn với mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố,… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH.
Đặc biệt, diện bao phủ BHXH không ngừng tăng cả về số người tham gia và số người thụ hưởng, nhất là về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Trong vòng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt gần 280 nghìn người tham gia. Nhưng, chỉ tính riêng trong năm 2019, sau khi Nghị quyết số 28 được triển khai, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người, bằng số người tham gia BHXH tự nguyện của cả 11 năm trước cộng lại.
Ông Trần Đình Liệu cho biết, từ năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn song vẫn đạt được những kết quả quan trọng với 1,128 triệu người tham gia năm 2020 (tăng 554 nghìn người, gấp 2 lần so với năm 2019). Chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động nhưng trong năm 2020, ngành đã vượt chỉ tiêu được giao. Đến hết tháng 5/2021, cả nước có khoảng 16,468 triệu người tham gia BHXH, chiếm 33,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó gồm: 15,211 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,256 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; khoảng 13,505 triệu người tham gia BH thất nghiệp và khoảng 87,416 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 89,56% dân số).
Trong thời gian này, công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách luôn được ngành BHXH Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, với phương thức quản lý hiện đại, hoạt động của toàn ngành đã được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt như: chi trả cùng một kỳ hai tháng lương hưu, chi trả tại nhà; chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT; cấp thuốc BHYT; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh đối với các tỉnh vùng thiên tai…
Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội đến lao động nông thôn Những nội dung về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được đặt ra tại Nghị quyết số 28 không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức, mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. |
Hà My