Được biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam. Chuyến thăm này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước? Trong chuyến thăm lần này, tôi đã có các cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Việt Nam để trao đổi, thảo luận về chương trình hợp tác giữa Chile và Việt Nam trong năm 2020. Trong các cuộc tiếp xúc, chúng tôi đã đề cập tới nhiều nội dung nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Thứ nhất là giao thương và hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Từ năm 2014, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile đã giúp đưa cán cân thương mại của chúng ta đạt mức gần 1 tiỷ USD, cũng như đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 23 của Chile. Tôi tin rằng, đây sẽ là cơ hội để chúng ta bổ sung, sửa đổi Hiệp định thương mại tự do này, từ đó mở rộng kế hoạch hợp tác thương mại giữa hai nước. Tôi cũng cho rằng, chuyến thăm này sẽ góp phần tăng cường hợp tác trong đầu tư và dịch vụ giữa hai nước chúng ta. Nhìn từ các con số, có thể thấy rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Chile đang có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, tiềm năng vẫn còn rất lớn và chưa được khai thác triệt để. Trong chuyến thăm lần này, chúng tôi cũng sẽ thảo luận về quan hệ thương mại giữa hai nước và cùng lên kế hoạch cho Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Thương mại Hàng hóa Việt Nam - Chile vào năm nay tại Hà Nội. Ngoài ra, trên cương vị là Chủ tịch Liên minh Thái Bình Dương, chúng tôi tin rằng Chile và Việt Nam - khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 - sẽ có rất nhiều vấn đề cần thảo luận và hợp tác. Hơn nữa, cả hai nước đều là các thành viên tham gia Hiệp định CPTPP, vì thế đây là cơ hội tốt để hai bên gặp gỡ và thảo luận. Ông đánh giá thế nào về quan hệ thương mại - đầu tưgiữa Việt Nam và Chile trong những năm qua? Thương mại giữa hai nước đang ngày càng mở rộng. Mặc dù vậy, cán cân xuất khẩu từ Chile sang Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả như chúng tôi mong đợi. Hiện nay, trong khuôn khổ quan hệ hợp tác thương mại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Chile đạt 750 triệu USD, trong khi tổng lượng xuất khẩu từ Chile sang Việt Nam chỉ đạt 240 triệu USD. Đáng chú ý hơn cả là giữa hai nước hiện nay chưa có quan hệ đầu tư, đây là vấn đề rất đáng quan tâm và Hiệp định CPTPP sẽ là công cụ quan trọng để tiến tới một kết quả khả quan. Qua các cuộc đàm phán song phương, hai bên nhận thấy rằng nên nới rộng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile. Bên cạnh những thành công đã đạt được, vẫn còn nhiều những vấn đề đang chờ được giải quyết bằng sự chung tay của cả hai nước. Việt Nam hiện là quốc gia có vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung, nổi lên như một trung tâm công nghiệp mới của khu vực. Đây là điểm mạnh thu hút các nhà đầu tư Chile vào Việt Nam để mở rộng thị trường. Ngược lại, Chile cũng đóng vai trò như một trung tâm kinh tế thương mại để Việt Nam mở rộng sang thị trường các nước châu Mỹ La-tinh, bởi Chile có mạng lưới hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Cả Việt Nam và Chile cũng đang ra sức phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, nên cuộc đàm phán song phương lần này cũng là một cơ hội để chúng ta cùng nhau kết nối với các nước khác trên thế giới. Không chỉ với Việt Nam mà đối với cả các nước khác trong khối ASEAN cũng vậy. Vị trí địa lý là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách thương mại của chúng tôi. Vì thế, tôi cũng đến thăm một số nước như Singapore, Indonesia và Malaysia. Chúng tôi có nhiều hoạt động với các nước ASEAN và ASEAN giữ vai trò đặc biệt trong việc mở rộng và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu của chúng tôi. Vậy thì về mặt chính sách, ông có khuyến nghị gì để Việt Nam và Chile tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế? Để giái quyết những khó khăn và vấn đề còn tồn đọng đang cản trở thương mại giữa hai nước, ta cần nhìn vào mặt chính trị và có những cam kết để lên kế hoạch chương trình hợp tác. Lần tới thăm Việt Nam lần này, chúng tôi cũng mang tới những quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Trong bối cảnh có rất nhiều bất ổn trong thương mại và kinh tế như hiện nay, các nước có nền kinh tế mở như chúng ta cần chung tay hành động để đạt được hệ thống luật lệ rõ ràng, minh bạch. Trong thương mại cũng vậy, để căn chỉnh phù hợp với bối cảnh của WTO, APEC, ASEAN hay Liên minh Thái Bình Dương, chúng ta cần hợp sức để cùng nhau xây dựng luật lệ rõ ràng trong kinh doanh. Theo ông, các doanh nghiệpViệt Nam - Chile có thể gia tăng hợp tác thương mại với thông qua những mặt hàng nào? Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Chile hiện nay bao gồm hàng vật tư công nghệ, điện thoại di động, cùng với mặt hàng dệt may, và thủy hải sản. Trong khi đó, Chile chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm nghiệp, gia súc, rượu vang cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Chile sang thị trường Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ, làm thế nào chúng ta có thể chung tay phát triển chuỗi giá trị. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc xem xét đâu là những chuối có thể cung ứng cho nhau trong khu vực Mỹ La-tinh. Chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi cũng là để thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ mở rộng các sản phẩm của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường Chile, hàng nhập khẩu từ Việt Nam cũng có vị thế rất cạnh tranh tại đây, trở thành một trong những nhà cung ứng chủ chốt một số mặt hàng như tôi vừa kể trên. Nhưng hiện nay, quan hệ thương mại giữa hai nước đang bị mất cân bằng khi Chile chưa có nhiều chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, vì thế chúng ta nên cùng nhau giải quyết sâu hơn nhằm tìm ra các mặt hàng cung ứng hay chuỗi giá trị nào có thể đưa vào thị trường trong thời gian tới. |