Làm thuê trên chính đất mình
Mở cửa thị trường bán lẻ đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội để học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp thu phương thức kinh doanh hiện đại. Mặt khác, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây rất nhiều người đề cập đến thách thức mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ phải chống chọi khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đổ dồn về Việt Nam.
Ông Ngô Tuấn Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ quan điểm, tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.
Thời gian qua, đối với lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam đã mất dần thị trường nội địa khi không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Metro Cash & Carry, Big C, Parkson... doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm trên 40% thị phần, so với 25% của các doanh nghiệp trong nước và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội do quy mô lớn.
Ngoài việc mất thị phần, một vị chuyên gia khác còn lo lắng về nguy cơ mất sản xuất trong nước, trở thành nước chủ yếu nhập khẩu và gia công cho nước ngoài. Bởi nhiều tập đoàn đã vào Việt Nam đầu tư từ sản xuất cho đến phân phối như trứng gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (của đại gia Thái Lan) đã tràn ngập ở các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chiếm thị trường, cả người sản xuất và tiêu dùng trong nước sẽ trở thành người làm thuê, gia công trên chính đất nước mình.
Đội quân hùng mạnh
Trong cuộc chiến này, doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo, buộc phải thay đổi để chiếm lĩnh thị phần của mình từ việc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, phương thức kinh doanh cho đến những thứ tưởng như vô hại là thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng. Những điểm này, các doanh nghiệp nước ngoài đang làm tốt hơn Việt Nam rất nhiều lần.
Ý kiến mà ông Nguyễn Văn Nam, Viện nghiên cứu Thương mại nêu ra rất đáng chú ý: “Muốn “đánh thắng” trên một mặt trận thì cần có quân. Vậy quân của Việt Nam trong lĩnh vực này là gì? Đó là các tập đoàn bán lẻ, các công ty bán lẻ”.
Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không ngừng phát triển bởi họ có sự hậu thuẫn tốt từ công ty mẹ thì các doanh nghiệp Việt Nam phải vật lộn rất vất vả. Lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức cao 7-11%/năm, gấp 2-3 lần so với các mức lãi suất của các nước khác trong khu vực (như Philippines là 2,2%/năm, Malaysia 2,1%/năm). Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ nước khác.
Ông Nam bổ sung thêm, doanh nghiệp trong nước mặt bằng không có, còn bao nhiêu chính sách, nhũng nhiễu, phiền hà đều đổ lên đầu doanh nghiệp trong nước. Do vậy, Nhà nước phải có quản lý, chính sách phát triển “đội quân” này. Đối sách của Nhà nước về phát triển “đội quân” chiến đấu trong mặt trận bán lẻ này cần rõ ràng.
“Bản thân đội quân này cũng cần chấn chỉnh cách làm ăn cho đúng. Hội nhập rồi, không chỉ luật lệ trong nước mà còn cả luật quốc tế, phải thấy thương mại là một nghề nghiệp, không phải là “trận đánh quả” mà là trận đánh cả đời. Nếu không trau dồi nghề nghiệp, không đưa khoa học công nghệ vào thì nghề này sẽ thua”, ông Nam nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Thương mại nêu dẫn chứng, cách làm như Vingroup và một số nhà bán lẻ khác là đang đi đúng hướng nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm, đưa hàng hóa đến tận những ngõ ngách phục vụ người mua, đưa hàng Việt vào các cửa hàng tiện lợi… “Tùy vào từng mô hình kinh doanh để có phương án hợp lý, linh hoạt trong cách giao hàng, thanh toán”, ông Thắng khuyến nghị.