Tờ “The Financial Times” viết sau ngày 15/3, lượng khách du lịch Hàn Quốc sẽ bị ngừng lại, các công ty vi phạm sẽ bị phạt, tước giấy phép. Đó là văn bản hướng dẫn do cơ quan quản lý du lịch Trung Quốc gửi cho tất cả các hãng du lịch, kể cả công ty lớn nhất là Ctrip. Nguyên nhân được nêu ra là việc bố trí THAAD của Mỹ tại Seoul. Bắc Kinh chỉ trích mạnh việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, cho rằng hệ thống này đe dọa những lợi ích chiến lược của Trung Quốc và qua đó làm tổn hại an ninh khu vực Đông Á.
Chuyên gia phân tích Michael Ha thuộc Công ty Nomura tại Seoul cảnh báo đây có thể mới chỉ là bước đầu, Bắc Kinh còn nhiều phương án khác nhằm vào giới doanh nghiệp Hàn Quốc. Chuyên gia này lưu ý gần như tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc, kể cả Hyundai Motor và AmorePacific, đều phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu tại Trung Quốc. Cổ phiếu của Hyundai và Công ty mỹ phẩm AmorePacific ngày 4/3 đã giảm mạnh lần lượt là 4,4% và 11%.
Thêm một lý do để tăng sức ép lên Seoul là việc ký kết thỏa thuận trao đổi đất giữa Tập đoàn Lotte và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nhờ đó bộ này có được mặt bằng cần thiết ở huyện Seonjo phía Đông Nam để bố trí giàn pin tên lửa THAAD. Thiết bị này sẽ được di chuyển từ Mỹ đến đây vào khoảng tầm từ tháng 5 đến tháng 7 tới. Vì việc này, Tập đoàn Lotte đã phải trả một giá rất đắt: Sản phẩm sữa chua và kẹo của họ bị cấm nhập vào Trung Quốc, trang web của tập đoàn bị tấn công.
Bất chấp quan điểm của Trung Quốc hay hoạt động kinh doanh của các tập đoàn sữa và đồ ngọt Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, Seoul đang đẩy nhanh kế hoạch bố trí THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Và Trung Quốc gần như không thể chống lại việc chuẩn bị quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, nhất là khi Washington cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ an ninh cho các đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á cũng như đối phó với điều mà họ gọi là “mối đe dọa từ hàng xóm Triều Tiên”.
Có vẻ như phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa bằng án phạt kinh tế là câu đáp trả điển hình của Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng biện pháp trả đũa Seoul kể từ sau khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng do Chính phủ Hàn Quốc đồng ý để Mỹ triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tháng 7/2016, Hàn Quốc và Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai THAAD, theo đó việc bố trí hệ thống vũ khí này ở khu vực phía Nam Hàn Quốc sẽ được hoàn tất trong năm 2017. Cuối năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp hạn chế làn sóng văn hóa của Hàn Quốc và giảm khoảng 20% lượng khách du lịch đến Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những động thái trả đũa cũng rất có thể sẽ mang đến hiệu ứng ngược khiến Bắc Kinh thiệt hại đáng kể bởi Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư và thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc. Đó là chưa kể với kinh nghiệm và bản lĩnh của một quốc gia vượt qua tổn thất và thiệt hại nặng nề của chiến tranh để vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, Hàn Quốc chắc chắn không phải là một đối thủ dễ chịu trong “cuộc chiến tranh kinh tế” với Trung Quốc.