Mới đây, các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu phát đi tín hiệu về khả năng tăng lãi suất chậm lại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm 2019. Theo đó, FED có thể sẽ có kế hoạch tăng lãi suất chậm lại hoặc thậm chí là chấm dứt chu kỳ thắt chặt hiện tại và thay vào đó sẽ "án binh bất động" cho đến khi bức tranh kinh tế trở nên rõ ràng hơn. Nếu điều này trở thành hiện thực, tình hình tỷ giá và lãi suất của Việt Nam sẽ được giảm bớt áp lực và trở nên dễ thở hơn.
Hai xu hướng của lãi suất
Từ tháng 10, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động và càng đến cuối năm mức tăng càng cao. Hiện lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã lên mức trên 8%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng liên tục tăng. Theo niêm yết của NHNN, lãi suất bình quân qua đêm hiện là 4,82%/năm; 1 tuần là 4,84%/năm, 1 tháng là 5,34%/năm. Đặc biệt, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất bình quân lên tới 6,08%/năm.
Lý giải về xu hướng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng trong những tháng gần đây, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chỉ ra hai xu hướng. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng lên khiến cho lãi suất VND cũng phải điều chỉnh lên để tránh gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, theo ông Hải, trong năm 2019 xu hướng sẽ khác do dự đoán FED sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất, làm giảm áp lực lên lãi suất VND.
Thứ hai, hiện các ngân hàng đang phải chạy đua để chuẩn bị cho nguồn vốn cho tăng trưởng 2019. Đồng thời, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm xuống 40% từ năm 2019, do đó các ngân hàng phải cần nhiều vốn trung dài hạn hơn. “Đúng là lãi suất tiền gửi tăng tương đối mạnh trong thời gian gần đây nhưng xu hướng này sẽ không tiếp tục mạnh được. Nếu nhìn vào mặt bằng lãi suất cho vay thì hầu như không thay đổi mấy, đặc biệt các ngân hàng hầu như không thay đổi lãi suất đối với nhóm DN có chất lượng tín dụng tốt. Việc lãi suất huy động tăng nhanh nhưng lãi suất cho vay không tăng sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó thời gian tới lãi suất huy động sẽ khó có thể đẩy lên tiếp được” – ông Hải nhận định.
Ngoài ra, thời điểm năm nay cũng có điểm khác là không có tình trạng mất thanh khoản như những năm trước. Một số ngân hàng có tăng lãi suất, nhưng việc tăng lãi suất này không xuất phát từ nguyên nhân mất thanh khoản mà là từ chiến lược cơ cấu lại kỳ hạn vốn huy động để đáp ứng quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cho vay trong năm tới. “Hoàn toàn không có tình trạng chạy đua hút vốn bằng mọi giá như những năm trước” – ông Hải khẳng định.
Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2019 vừa được công bố, BVSC đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 sẽ chậm lại ở mức 6,4 – 6,5%. Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ đi đôi với nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc. Trong khi đó, cung tín dụng chịu áp lực từ vốn chuẩn bị cho Basel II và tác động từ chính sách mới được NHNN ban hành, như việc "siết" tín dụng bất động sản thông qua quy định nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên 200% vào đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019, đồng thời giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ đầu năm 2019. Từ những yếu tố trên, BVSC cho rằng tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%).
Tỷ giá ổn định trong biên độ 2 - 3%
Mới hôm đầu tuần, NHNN công bố tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng thêm 5 đồng lên 22.783 đồng/USD. Với biên độ +/-3%, giá USD được phép giao dịch trong khoảng 22.100 - 23.466 đồng. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 358 đồng, tương đương mức tăng gần 1,6% vẫn nằm trong định hướng của Chính phủ (ổn định linh hoạt trong khoảng 1-2%).
Cùng xu hướng với với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng đã nâng tỷ giá yết thêm 15 đồng so với cuối tuần trước. Hầu hết các ngân hàng đều đang yết tỷ giá ở mức 23.360 đồng/USD chiều bán ra. Chênh lệch tỷ giá mua bán tại nhóm Big 4 và các ngân hàng cổ phần tư nhân lần lượt ở mức 90 đồng và 80 đồng.
Mặc dù vậy, ông Phạm Hồng Hải vẫn cho rằng, với dự báo FED sẽ ngưng tăng lãi suất trong năm 2019, áp lực lên thị trường ngoại hối cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý biến động của đồng NDT trong năm 2019. Bởi hiện vẫn chưa thể chắc chắc diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ như thế nào. Tuy nhiên, theo quan điểm của HSBC, Trung Quốc sẽ không dùng đồng NDT làm công cụ trong cuộc chiến thương mại này. Vì lẽ đó, nếu đồng NDT vẫn duy trì ở mức ổn định tương đối thì VND vẫn sẽ ổn định trong biên độ khoảng 2 - 3%.
Hiện tại, tâm điểm đang được giới đầu tư chờ đợi là cuộc họp của FED về lãi suất đồng USD. Song nhìn về dài hạn, giới tài chính thế giới vẫn dự đoán đồng USD sẽ giảm giá, vì kinh tế Mỹ bộc lộ nhiều tín hiệu cho thấy đã qua thời kỳ tăng trưởng đỉnh điểm, và sẽ chịu tổn thất từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.