Do các cửa biển khác đều cạn nên vào con nước, lượng tàu thuyền tập trung neo đậu tại cửa biển Sông Đốc tăng cao.
Vùng biển Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường lớn nhất của cả nước, thuận lợi về đánh bắt hải sản, và lớn hơn là phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2011-2020, Cà Mau xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tập trung tại các cửa biển lớn, trong đó có Năm Căn và Sông Đốc.
Phát triển du lịch biển đảo và du lịch sinh thái ven biển trở thành ngành kinh tế quan trọng. Ðể đạt mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp nhiều công trình như: xây dựng đê biển, cảng cá, các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cửa biển lớn... Trong đó, đầu tư trọng điểm 2 cửa biển lớn là Sông Ðốc và Khánh Hội.
Khơi dậy tiềm năng
Ðể tận dụng và khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng kinh tế biển, Cà Mau quy hoạch cụ thể phát triển kinh tế biển tầm nhìn đến năm 2020. Trong giai đoạn 2016-2020, Cà Mau xác định mục tiêu phát triển là: “Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”.
Do các cửa biển khác đều cạn nên vào con nước, lượng tàu thuyền tập trung neo đậu tại cửa biển Sông Đốc tăng cao. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Cà Mau là địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, với chiều dài bờ biển hơn 254 km, lượng tàu thuyền khai thác hải sản lớn với hơn 4.600 phương tiện thường xuyên hoạt động. Chính vì vậy, vấn đề trước mắt là phải nâng cấp các cửa biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực này.
Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong năm 2015, tỉnh đầu tư nâng cấp các cửa biển lớn trong tỉnh, đặc biệt là 2 cửa biển Sông Ðốc, Khánh Hội, nhằm hình thành các trung tâm khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Vốn đầu tư nâng cấp cho 2 cửa biển này hơn 20 tỷ đồng”.
Theo đó, các cửa biển này sẽ được nạo vét, cải tạo bên trong và bên ngoài, đồng thời xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền và bờ kè chống sạt lở... Khai thông các cửa biển này, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu đánh bắt hải sản ra vào. Mục tiêu là đến năm 2020, Sông Ðốc đạt chuẩn đô thị loại 3 và cửa biển Khánh Hội là thị trấn biển.
Do nhiều năm chưa được nạo vét nên các cửa biển, nhất là cửa biển Khánh Hội đã bị bồi lắng, gây khó khăn cho các tàu đánh bắt hải sản lớn ra vào. Ông Nguyễn Hoàn Sơn, chủ vựa thu mua hải sản Hoàn Sơn tại cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh), cho biết: “Cửa Khánh Hội cạn nên tàu đánh bắt hải sản lớn rất khó vào. Do đó, phần lớn sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, họ thường chạy thẳng qua cửa Sông Ðốc để lên hàng. Ở đây chúng tôi chủ yếu là thu mua sản phẩm của các chủ tàu có công suất nhỏ, tàu đánh bắt gần bờ... nên sản lượng không lớn và phong phú như cửa Sông Ðốc”.
Mặc dù Khánh Hội có rất nhiều chủ tàu công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ nhưng lại không thể vào cập bến tại cửa này mà trực tiếp bán sản phẩm trên biển hoặc chạy thẳng qua các cửa biển lớn khác để lên hàng. Ðiều này không chỉ gây khó khăn cho ngư dân do phải tốn thêm chi phí không đáng có mà quan trọng hơn làm cản trở sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cho đến nay, Khánh Hội vẫn chưa hình thành được khu dịch vụ hậu cần nghề cá, không tận dụng được nguồn lao động tại chỗ để tạo ra công ăn việc làm nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế của một trong những cửa biển lớn nhất tỉnh.
Hình thành các trung tâm nghề cá
Không chỉ Khánh Hội mà cửa biển Sông Ðốc cũng đang trong tình trạng quá tải. Với lượng tàu cá khi cao điểm lên đến hàng ngàn chiếc cùng cập bến thì áp lực về bến bãi, nơi neo đậu cũng như phục vụ hậu cần nghề cá gặp không ít khó khăn.
Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Mặc dù cửa biển Sông Ðốc lớn, được đầu tư khá nhiều để phát triển kết cấu hạ tầng, khu neo đậu, cảng cá, nhưng cũng chịu áp lực lớn mỗi khi đến con nước tàu đánh bắt vào. Do thời gian dài chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo nên cửa biển đang xuống cấp, bến tàu bị hư hỏng cũng như không đủ chỗ để nhiều tàu cập bến lên cá cùng lúc. Ô nhiễm môi trường tại cửa biển cũng đáng báo động”.
Cà Mau muốn phát huy được thế mạnh kinh tế biển thì việc đầu tư, nâng cấp các cửa biển và hình thành được các trung tâm khai thác thuỷ sản là yêu cầu cấp bách. Xác định tầm quan trọng trên, tỉnh đang tập trung đầu tư mạnh để cải tạo và nâng cấp các cửa biển lớn trong tỉnh.
Hậu cần nghề cá được khuyến khích đầu tư tại cửa biển Sông Đốc. (Trong ảnh: Nâng cấp sửa chữa tàu đánh bắt xa bờ). Ảnh: NGUYỄN NAM |
Với vai trò là trung tâm phát triển kinh tế biển, 2 cửa biển Sông Ðốc và Khánh Hội sẽ được tỉnh đầu tư mạnh nhằm hình thành trung tâm nghề cá, phát triển kinh tế cho các địa phương. Ông Mai Hữu Chinh cho biết thêm: “Sông Ðốc và Khánh Hội được xác định là trung tâm nghề cá, động lực phát triển kinh tế thuỷ sản của tỉnh. Do đó, việc đầu tư câng cấp các cửa biển này cũng là nhằm mục tiêu phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành các đô thị biển”.
Tỉnh Cà Mau xác định kinh tế biển bao gồm nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ðồng thời với đó là đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, từng bước hình thành một số trung tâm kinh tế dịch vụ ven biển. Với việc xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ cơ bản, coi vùng ven biển là động lực quan trọng, tỉnh đã và đang tập trung phát triển các lĩnh vực liên quan như xây dựng cơ cấu ngành, nghề hợp lý và hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, xây dựng vùng biển và ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh phát triển ra biển, từng bước xây dựng vùng ven biển và vùng biển trở thành vùng kinh tế động lực.
Các cửa biển lớn được ưu tiên phát triển của tỉnh bao gồm cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh được tỉnh quy hoạch xây dựng thành làng biển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và khu dân cư, mục tiêu thành thị trấn biển vào năm 2020 cùng với cửa biển Bồ Ðề, thuộc huyện Năm Căn./.
Ðặng Duẩn