12,ẳngđịnhniềmtincủadoanhnghiệpvàoChínhphủtrang thống kê bóng đá4% là con số không quá cao, song theo nhiều chuyên gia, đây là chỉ dấu quan trọng khẳng định môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta đang ngày càng được cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngày càng tin tưởng vào một Chính phủ kiến tạo và liêm chính. Số doanh nghiệp tăng nhanh ở tất cả các ngành và vùng kinh tế Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 596 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số DN và 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Chi tiết hơn, ông Lâm cho biết, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và nếu tính cả 859,2 nghìn tỷ đồng của 18,1 nghìn lượt DN tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 qua là trên 1,455 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 15.379 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 76,7 nghìn. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng là 627,3 nghìn người. Một điểm rất đáng chú ý là các doanh nghiệp thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đã "bao phủ" hầu hết các lĩnh vực kinh tế và tại các vùng kinh tế của đất nước. Cụ thể, ở lĩnh vực bán buôn, bản lẻ, đã có 21,5 nghìn DNTLM, chiếm 35% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong kỳ thống kê và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau, trong một số lĩnh vực, như: xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản hay trong trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, con số DNTLM cũng rất ấn tượng, lần lượt là: 8,2 nghìn; 8,1 nghìn; 4,7 nghìn; 3,2 nghìn; 2,9 nghìn; 2,3 nghìn và 1,6 nghìn doanh nghiệp. Chia theo vùng, đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra con số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 quí đầu năm nay lần lượt là: vùng Đông Nam bộ có 25,7; đồng bằng sông Hồng là 18,9 nghìn; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có 8,3 nghìn; Đồng bằng sông Cửu Long là 4,3 nghìn. Đặc biệt, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vốn là địa bàn còn nhiều khó khăn, song cũng ghi nhận sự ra đời của 2,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian qua. Khẳng định niềm tin của doanh nghiệp vào Chính phủ Đánh giá về con số tăng trưởng 12,4% nói trên, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, đây hoàn toàn không phải là "tăng trưởng nóng" hay "đột biến"; mà là hệ quả tất yếu từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ DN, doanh nhân của Nhà nước trước đó khá lâu, đặc biệt, là hệ quả từ thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng “Chính phủ kiến tạo” với nỗ lực cải cách, tạo lập niềm tin cho cộng đồng DN ngay sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2016. Còn nhớ, ngày 29/4/2016, trong cuộc đối thoại với đại diện hàng trăm DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và các hiệp hội DN với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. Nói và làm. Các "thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất" mà Thủ tướng nói đã được cụ thể hoá bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, trong đó, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là một trọng tâm. Khẳng định như vậy là bởi, báo cáo kết quả sau gần một năm triển khai thực hiện nghị quyết này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi tháng 5 vừa qua đã đánh giá, bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN. Chi tiết hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép. Điển hình như các thủ tục về thuế và hải quan, hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, đăng ký DN qua mạng điện tử... đã được đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đặc biệt, cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN để trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264 nghìn với sự tham gia của hơn 8,2 nghìn DN... Bên cạnh đó, cộng đồng DN khởi nghiệp cũng nhận được những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ mà cụ thể là tại Diễn đàn Doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp hồi tháng 5 vừa qua, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cam kết: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cá nhân tôi luôn sát cánh song hành và đồng hành cùng các bạn, để chúng ta làm cho làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam ngày càng mạnh lên với tâm thế của một quốc gia khởi nghiệp thực chất, hiệu quả và mang tính bền vững” để làn sóng khởi nghiệp thực sự mang lại hiệu quả thực chất chứ không chỉ là phong trào. Và, không chỉ là một sự kiện mà là một dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng của nền kinh tế nói chung và của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng khi ngày 3/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân với khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cũng vào thời gian đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với những chế định cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế quan trọng này. Rõ ràng, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ sớm đón nhận những con số lớn hơn nhiều con số 12,4% nói trên và đi kèm đó là những con số về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; con số ngày càng lớn về những đóng góp của cộng đồng DN vào nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến những ý kiến đóng góp tâm huyết, như của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) rằng: "Kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng DN chính là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, bởi trong thực tiễn, việc thực thi các luật vẫn còn nhiều bất cập, các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư đa ngành đi vào thực tế còn chậm, nội dung chưa nhất quán, không tương thích và thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau". |