Từ ý thức của người dân
Công ty Điện lực Bình Phước đang quản lý và vận hành hơn 5.380km đường dây điện trải rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Do chiều dài đường dây rất lớn nên công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó,n hlịch vô địch pháp Bình Phước có diện tích cây cao su và điều chiếm tỷ lệ lớn. Hầu hết các đường dây điện từ cao áp đến hạ thế đều đi ngang các khu vực có vườn cây của người dân, doanh nghiệp. Những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên việc tuyên truyền, vận động người dân đồng ý để ngành điện cắt, tỉa các cành, nhánh cây trồng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thậm chí, không ít hộ dân còn tận dụng khoảng đất trống trong khu vực an toàn hành lang lưới điện để trồng cây, xây dựng công trình phụ…
Cán bộ, nhân viên Điện lực Đồng Xoài phát quang cây trồng ảnh hưởng đến an toàn hành lang lưới điện tại xã Tân Thành
Theo thống kê của ngành điện năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 102 vụ sự cố lưới điện. Nguyên nhân do vi phạm an toàn hành lang lưới điện như: cây trồng đổ ngã va quẹt, người dân cưa cây đổ vào lưới điện, xe quá khổ làm đứt dây thông tin văng lên lưới điện… Vì vậy, để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, trước hết cần phải có sự chung tay của người dân.
Với sự nỗ lực của ngành điện cùng chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân và công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện ngày càng được cải thiện, đạt hiệu quả tích cực. Điển hình như gia đình ông Lê Đình Hải (thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) có vườn cao su với 200m mặt đường liên thôn và có đường dây điện trung thế đi ngang. Khi cán bộ điện lực và chính quyền xã tuyên truyền vận động, gia đình ông đã tự cắt 140 cây cao su với diện tích gần 2.000m2. “Gia đình tôi cũng nhận thức rõ sự nguy hiểm khi các loại cây trồng mọc cao gần khu vực có điện lưới đi ngang. Khi chính quyền xã cùng cán bộ điện lực tuyên truyền, gia đình tôi chấp hành và tự chặt bỏ những hàng cây gần khu vực hành lang lưới điện. Không chỉ gia đình tôi mà tất cả hộ dân ở đây đều chấp hành tốt” - ông Hải cho biết.
Phó chủ tịch UBND xã Thuận Lợi Lê Duy Thạo chia sẻ: “Qua tuyên truyền vận động, hầu hết người dân địa phương nhận thức và hiểu rõ nguy hại của việc để cây trồng phát triển gần khu vực hành lang lưới điện, cũng như xây dựng các công trình, bảng hiệu… Người dân rất đồng thuận và chấp hành tốt việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Vì vậy, trên địa bàn xã Thuận Lợi không xảy ra những trường hợp chập điện hoặc cháy nổ do các yếu tố không đảm bảo hành lang an toàn điện lưới từ người dân”.
...đến các giải pháp kỹ thuật
Song song với tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chung tay đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, các giải pháp kỹ thuật luôn được ngành điện chủ động thực hiện như: bọc hóa, ngầm hóa, nâng cao khoảng cách pha đất; thường xuyên kiểm tra lưới điện, trạm biến áp định kỳ; phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, xử lý hành vi gây sự cố lưới điện làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, an sinh xã hội.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, công ty rất chú trọng tăng cường phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang lưới điện có nguy cơ làm mất an toàn dẫn đến sự cố lưới điện. Trong năm 2020, công ty đã thực hiện phát quang cây xanh dọc hành lang an toàn lưới điện được 231,8km đường dây 110kV; hơn 3.740km đường dây 22kV và 1.927km đường dây hạ áp. Ngoài ra, công ty vận động người dân tự nguyện cắt hạ hơn 2.600 cây cao su có nguy cơ ngã vào lưới điện 22kV; tổ chức đền bù, chặt hạ hơn 1.700 cây cao su có khả năng ngã vào lưới điện 110kV.
Ông Đỗ Văn Dương, Phó giám đốc kỹ thuật, Công ty Điện lực Bình Phước cho biết: Song song với vận động người dân chấp hành tốt đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, lãnh đạo công ty luôn chủ động triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn hành lang lưới điện và hạn chế thấp nhất mọi sự cố dẫn đến mất điện.