Rời chiến trường ác liệt,ợchồngthươngbinhvượti le keo malai trở về với cuộc sống thời bình, dẫu mang trong người nhiều vết thương chiến tranh, nhưng với ý chí của người lính Bộ đội Cụ Hồ, vợ chồng thương binh Nguyễn Văn Xiếu, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Xiếu, bà Hồng vẫn luôn tích cực lao động. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo khó và chịu nhiều bom đạn của chiến tranh, người thanh niên Nguyễn Văn Xiếu đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và sẵn sàng lên đường cầm súng chiến đấu khi mới 16 tuổi. Ông Xiếu từng tham gia công tác đoàn ở địa phương, rồi chuyển qua Tiểu đoàn Tây Đô 2, rồi Tiểu đoàn Tây Đô 3 và cuối cùng là ở công trường huyện Long Mỹ. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông Xiếu đã bị thương, nhưng vẫn tiếp tục phục vụ cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Còn bà Hồng thì tham gia thanh niên xung phong khi mới 17 tuổi, đến năm 19 tuổi thì bà về công tác tại công trường huyện Long Mỹ. Trong khoảng thời gian này, hai người đã gặp và yêu nhau rồi đi đến hôn nhân. Sau khi đất nước giải phóng, ông Xiếu về tham gia công tác ở địa phương, còn bà Hồng thì ở nhà chăm sóc đàn con thơ. Đến năm 1986, cuộc sống quá khó khăn, cộng thêm sức khỏe yếu nên ông Xiếu xin nghỉ. Lúc này, vợ chồng ông không chỉ cật lực làm ruộng, mà còn đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Ông Xiếu tâm sự: “Hoàn cảnh nghèo khó cơ cực, cơm không đủ ăn, cộng thêm những vết thương chiến tranh cứ dày vò tôi mỗi khi trái gió trở trời, nhưng tôi luôn nhớ lời Bác dạy “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Vì thế, tôi lao vào làm tất cả các công việc chính đáng có thể kiếm ra tiền để nuôi gia đình. Có những lúc tưởng như bế tắc, nhưng chợt nghĩ mình đã từng vào sinh ra tử, gian khó trăm bề cũng chịu đựng được, chẳng lẽ trong cuộc sống đời thường lại không đủ sức vượt qua. Chính vì vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng lao động, để cải thiện cuộc sống”. Mặc dù là thương binh, song vợ chồng ông bà không dựa dẫm hay đòi hỏi gì thêm ở chế độ Nhà nước, bởi ông bà hiểu rằng, là thương binh thì càng phải cố gắng hơn nữa tự vươn lên chăm lo phát triển kinh tế gia đình, để không phụ lòng những đồng chí đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường. Với suy nghĩ ấy nên ông bà làm việc không ngừng nghỉ, chỉ mong sớm ngày kinh tế gia đình được cải thiện. Nhớ lại những tháng ngày gian khó, bà Hồng rơm rớm nước mắt: “Kháng chiến cực khổ, chết chóc mà mình còn vượt qua được, nên khi hòa bình độc lập thì mình càng quyết tâm để nâng cao cuộc sống gia đình, góp phần công sức vào sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Những tháng ngày nghèo khó tội nhất là năm đứa con thơ dại, có ngày theo chúng tôi đi làm đến trưa bụng đói meo mà không có cơm ăn”. Được biết, lúc đầu gia đình ông Xiếu, bà Hồng làm ruộng nhưng mùa màng thất bát, nên chuyển sang trồng mía. Trong khoảng thời gian này, để tiết kiệm chi phí, cả nhà đã cùng nhau lao động từ đào hộc mía, đánh lá mía đến thu hoạch mía, tuy nhiên đời sống kinh tế vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, khi thấy bà con xung quanh trồng lúa thu được năng suất kha khá, do đó, gia đình ông đã chuyển sang trồng lúa trở lại. Nhờ siêng năng, chịu khó cộng thêm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên thu được năng suất cao, nhờ đó, đời sống kinh tế gia đình từng bước ổn định. Trải qua bao năm làm lụng vất vả, từ một hộ khó khăn, gia đình ông Xiếu đã trở nên khá giả, có điều kiện chăm lo, hỗ trợ các con tạo lập cuộc sống mới. Đến nay, năm người con của ông bà đều trưởng thành, tích cực lao động, sản xuất. Từ vài công ruộng ban đầu, hiện gia đình sở hữu 30 công ruộng và 3 công vườn, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Giờ đây, dù gần 70 tuổi nhưng vợ chồng ông bà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi mà luôn miệt mài với những công việc phù hợp với sức khỏe. Được biết, với những cống hiến trong công cuộc giải phóng đất nước của dân tộc, ông Xiếu đã được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông Trần Minh Tâm, Bí thư Chi bộ ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Trở về với cuộc sống đời thường với nhiều khó khăn, nhưng ông Xiếu, bà Hồng đã không đầu hàng trước số phận, họ nỗ lực làm ngày làm đêm, để từng bước nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Bên cạnh phát triển kinh tế, vợ chồng ông Xiếu còn tích cực gương mẫu và vận động con cháu trong gia đình cùng thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cũng chính vì vậy, gia đình ông bà luôn được bà con hàng xóm quý mến”. Quả thật, nếu không có ý chí, tinh thần kiên cường của người lính Bộ đội Cụ Hồ, thì dù được hỗ trợ, ông Xiếu, bà Hồng cũng khó có thể vượt qua khó khăn và tận hưởng cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc như ngày hôm nay. Theo anh Trần Minh Trí, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Vĩnh Viễn A, với tinh thần không ngại khó khăn gian khổ, gia đình ông Xiếu, bà Hồng chính là một trong những tấm gương thương binh vượt khó vươn lên phát triển kinh tế tiêu biểu của địa phương. Bài, ảnh: BÍCH CHÂU |