Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt khoảng 10,61 tỷ USD, tăng 19,7%; nhập khẩu (NK) ước đạt 7,74 tỷ USD, tăng 44,7%; xuất siêu khoảng 2,87 tỷ USD, giảm 18,2%. Trong quý đầu tiên của năm, nhiều mặt hàng đạt trị giá XK cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Cao su, chè, rau quả, sắn, tôm, các sản phẩm lâm sản. Cụ thể, trị giá XK cao su đạt khoảng 721 triệu USD (tăng 116%); chè đạt 41 triệu USD (tăng 6,2%); rau quả khoảng 944 triệu USD (tăng 6,1%)… Bên cạnh đó, những mặt hàng giảm gồm: Cà phê đạt 771 triệu USD (giảm 11,3); gạo đạt khoảng 606 triệu USD (giảm 17,4%); hạt điều ước đạt 634 triệu USD (giảm 5,8%); cá tra đạt 373 triệu USD (giảm 2,6%)… Bộ NN&PTNT thông tin thêm, về thị trường XK, ước trị giá XK NLTS tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 54,4% thị phần; châu Mỹ chiếm 32,2%; châu Âu chiếm 11,8%; châu Đại Dương chiếm 1,8% và châu Phi chiếm 1,5%. Trong quý 2/2021, toàn ngành đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt 3,52%; XK NLTS ước đạt trên 9,7 tỷ USD. Để phát triển chế biến và thị trường tiêu thụ NLTS, Bộ NN&PTNT nêu rõ với thị trường trong nước sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của bộ; theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Với hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy XK, Bộ NN&PTNT sẽ phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, định hướng XK NLTS tại các thị trường trọng điểm...
|