Trước đây vùng trấp được coi là vùng trũng về mọi mặt, do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế của người dân từng bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống bà con nơi đây không ngừng nâng lên.
Vùng trấp thuộc một phần các xã: Khánh Bình Ðông, Trần Hợi và thị trấn Trần Văn Thời. Những người dân cố cựu ở đây cho biết, vùng trấp còn được nhiều người biết đến với cái tên khác là lung Xả Tiểu. Nơi đây là vùng đất trũng, vào mùa mưa nước dâng cao, khó canh tác nên có thời gian dài vùng trấp bị bỏ hoang, năn, sậy mọc um tùm, là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loại chim, cò và các loài thuỷ sản nước ngọt.
Người dân vùng trấp tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. |
Sinh ra và lớn lên ở vùng trấp này, ông Lê Chuyển Quân, Trưởng ấp 8, xã Khánh Bình Ðông, chứng kiến những khó khăn, vất vả của người dân trong những năm trước đây. Ông kể: “Lúc trước vùng trấp vắng vẻ lắm, đi cả cây số không có một cái nhà, do không làm ăn gì được nên không ai chịu ở đây hết, chỉ có một vài người đến cất chòi ở tạm, cắm câu, giăng lưới vài ngày rồi lại đi. Vào mùa mưa nước ngập mênh mông, không có cây cối gì hết, chỉ toàn là năn với sậy nên chim, cò ở đây nhiều lắm, người dân muốn đi lại bằng xuồng, chớ đâu có đường sá như bây giờ”.
Những năm gần đây, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương khảo sát, quy hoạch hệ thống thuỷ lợi để phục vụ sản xuất và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nên vùng trấp có sự đổi thay tích cực.
Hơn nửa đời phiêu bạt khắp nơi, năm 2017, vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiến quyết định dừng chân tại vùng trấp này. Nhìn sự đổi thay hôm nay, ông Kiến chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng sinh sống ở nhiều chỗ, sau đó về đây sang được 10 công đất ruộng. Do đất trũng quá, làm lúa không trúng nên tôi lên liếp trồng chuối, chăn nuôi heo, dưới ao thì nuôi cá. Hiện tại tôi muốn làm nhiều thứ, nhưng do không có vốn nên trước mắt chỉ làm vậy thôi, khi nào có vốn sẽ tính thêm. Ðiều đáng mừng là hiện nay ở đây đã có lộ, Nhà nước mới đầu tư đường điện cho dân xài nên mừng lắm, trước giờ xài điện chia hơi, trả giá cao mà điện cũng yếu nên bất tiện lắm”.
Ông Lê Chuyển Quân thông tin, từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến lộ ở lung Xả Tiểu, tình hình sản xuất của người dân nơi đây rất ổn định. Hiện tại, ngoài làm lúa 2 vụ người dân còn trồng chuối, hoa màu và một số loại cây ăn trái, thu nhập khá. Ðặc biệt là những năm gần đây, năng suất lúa của bà con tăng hơn so với trước rất nhiều. Ðiều này có được là nhờ việc nạo vét thuỷ lợi kết hợp với làm lộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc bơm, tát nước; đồng thời, các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nên người dân sản xuất lúa rất hiệu quả. “Trước đây, vụ hè thu, nếu hộ nào trúng lắm cũng chỉ khoảng 20-25 giạ/công, còn bây giờ nhiều hộ đạt từ 35-37 giạ/công; còn vụ đông xuân thì có hộ đạt gần 1 tấn/công nên nông dân rất phấn khởi”, ông Lê Chuyển Quân dẫn chứng.
Xã Khánh Bình Ðông có 2 ấp thuộc khu vực vùng trấp, gồm Ấp 8 và Ấp 9. Ông Cao Văn Ðạt, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện tại, ở khu vực này đã có hệ thống lộ bê-tông, việc đi lại của người dân khá thuận tiện. Ðiện lực huyện vừa xây dựng hệ thống lưới điện để phục vụ bà con sinh hoạt, nên về kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bà con. Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, trồng màu, cây ăn trái để tăng thêm thu nhập”.
Nhờ được sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự nỗ lực vươn lên của người dân nên tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực vùng trấp giảm đáng kể. Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo ở Ấp 8 và Ấp 9, xã Khánh Bình Ðông đều dưới 3%.
Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào ở địa phương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Nhiều căn nhà mới dần được mọc lên, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đã minh chứng cho sự đổi thay từng ngày của vùng trấp, vùng đất hoang vu ngày nào giờ đang chuyển mình lên nông thôn mới./.
Anh Quốc