Lợi nhuận ngành dệt may tiếp đà phục hồi
TheổphiếudệtmayRủirochưahếtnhưngtriểnvọngđãsánghơbet88 kèoo thống kê của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), trong quý I/2021, có 13/19 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực.
Tổng doanh thu trong quý I/2021 của các công ty dệt may được niêm yết đã giảm 7,6% so với cùng kỳ do giảm giá bán; tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,6 điểm % so với cùng kỳ trong khi chi phí bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ. Chi phí giảm là nhờ: cải thiện danh mục sản phẩm (sợi tái chế, găng tay, ba lô) với biên lợi nhuận gộp cao hơn; hàng tồn kho giá thấp kể từ quý IV/2020; và cắt giảm chi phí quảng cáo. Do đó, tổng lợi nhuận ròng quý I/2021 của các doanh nghiệp này tăng 38,2% so với cùng kỳ 2020.
Trong số đó, Công ty CP Sợi Thế kỷ (mã Ck: STK) và Công ty CP May Bình Thạnh (mã Ck: GIL) có kết quả thậm chí còn tốt hơn so với mức trước dịch với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 37% và 121% so với quý I/2019. Trong quý I/2021, lợi nhuận ròng của STK tăng 34,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận ròng của GIL lần lượt tăng 19,5% so với cùng kỳ và 78,5% so với cùng kỳ.
Triển vọng tốt nhờ nhiều yếu tố thuận lợi
Các chuyên gia của VNDIRECT nhận định, các doanh nghiệp dệt may có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ nên có triển vọng tích cực. Theo đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi theo nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của Mỹ và châu Âu. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm mạnh mẽ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa.
VNDIRECT kỳ vọng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và châu Âu. VNDIRECT tin rằng giá trị xuất khẩu sẽ hoàn thành kế hoạch của Chính phủ Việt Nam, đạt 39 tỷ USD ở năm 2021. Các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, tình hình chính trị bất ổn gần đây ở Myanmar là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các nhà bán lẻ e ngại khi đặt hàng tại Myanmar và sẽ tìm các quốc gia thay thế trong giai đoạn tới (Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc...).
“Khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này. VGG, TNG, TCM và MSH có thể là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất” – các chuyên gia của VNDIRECT cho hay.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất vải và sợi tận dụng lợi thế từ chiến tranh thương mại châu Âu - Trung Quốc. VNDIRECT cho rằng, TCM sẽ được hưởng lợi từ việc nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải tại Việt Nam.
Cùng với đó, cũng trong ngành dệt may, các nhà sản xuất sản phẩm sợi được hưởng lợi từ đà tăng của giá sợi. Từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021, giá sợi đã tăng 25% do năng suất sản xuất của vụ bông vừa qua thấp và sản lượng bông tồn kho toàn cầu cũng giảm đáng kể. Do đó, các nhà sản xuất sợi như STK, PPH, TCM và VGT sẽ tận dụng được lợi thế từ việc tăng giá sợi. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất vải và may mặc sẽ phải đối mặt với thách thức tăng giá nguyên vật liệu đầu vào như TNG, MSH, VGG.
Ngoài ra, theo VNDIRECT, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bước vào chu kỳ đầu tư mới, hay các dự án FDI sắp tới sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu,... cũng là các yếu tố thuận lợi hỗ trợ ngành dệt may tăng trưởng
Tuy nhiên, các chuyên gia của VNDIRECT cũng đưa ra một số rủi ro mà ngành dệt may sẽ phải đối diện. Theo đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc chính vào xuất khẩu. Mặc dù việc tiêm chủng vẫn đang diễn ra đúng tiến độ nhưng số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc bán phá giá đối với sợi Trung Quốc có thể tiếp tục xảy ra vào năm 2021 do căng thẳng giữa châu Âu và Trung Quốc.
Ngoài ra, nhu cầu các sản phẩm dệt may trên thế giới phục hồi chậm hơn so với nguồn cung, dẫn đến áp lực cạnh tranh với các đối thủ lớn trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ ngày càng tăng. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển cao trong quý I/2021 cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế bán hàng)./.
Thái Duy