Ngày tết,ảinghiệmấmápởbệnhviệbd ltd phap các điều dưỡng Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng vẫn tất bật với công việc
Tình người nồng ấm
Những ngày giáp tết hối hả, công việc bận rộn, tôi khá bối rối khi con trai mới hơn 5 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm phế quản. Thời tiết dạo ấy mưa lạnh kéo dài, trẻ con không chịu nổi, nhiều cháu nhiễm các bệnh về đường hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản, hen... Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Huế quá tải, phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang.
Cô điều dưỡng nhận bệnh giải thích, các phòng đều đã kê thêm giường nhưng không đủ, bệnh nhi lại khó nằm ghép do các cháu còn quá nhỏ. Khi nào có người xuất viện, mình lại chuyển vào trong phòng nhé. Dù con nằm ngoài hành lang nhưng tôi cũng không lăn tăn vì ở đây kín gió lại thoáng và yên tĩnh.
Điều trị được ba hôm, đến 27 tết, con tôi được xuất viện. Chiều 29 tết, cháu lại sốt, tối tôi lại khăn gói đưa con vào viện. Khám cho con tôi cũng là vị bác sĩ hôm trước. Anh bảo cháu lại viêm phế quản nhưng triệu chứng không cấp tính nên linh động cho đơn thuốc điều trị ở nhà. Tết nhất đến nơi rồi…
Mùng 1 Tết, cháu cứ uống thuốc hạ rồi lại sốt. Đến tối, dù đã uống thuốc nhưng không hạ sốt, tôi đưa con đi viện. Sau các thủ tục khám, nhận bệnh, con tôi nhập viện lúc 24h. Đón con tôi ở Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng cũng vẫn là cô điều dưỡng tên Hoà lần trước. Khác với không khí tấp nập những ngày giáp Tết, mùng 1 Tết ở đây vắng lặng vì hầu hết bệnh nhân nhẹ đã được xuất viện về nhà ăn tết. Một số phòng trống được niêm phong, giường ở hành lang cũng được dọn dẹp gọn gàng.
Đợt ấy, con tôi nằm ở phòng 406. Phòng bệnh luôn kín giường, bé lớn nhất gần 6 tuổi, nhỏ nhất mới 1,5 tháng. Dù tết nhưng cứ có người ra viện lại có ngay người mới đến. Có người ở gần ngay thành phố, có người ở Phong Điền, Hương Trà, A Lưới, một số người ở tận Quảng Bình, Quảng Trị tự thuê xe đưa con vào đây chữa bệnh sau khi điều trị ở quê không đỡ. Hết kỳ nghỉ tết, thời tiết vẫn rét đậm, các phòng bệnh bắt đầu đông dần, giường ở hành lang cũng được kê trở lại.
Ở bệnh viện, tết như ở đâu xa lắm. Thỉnh thoảng trong những câu chuyện phiếm, các ông bố, bà mẹ hỏi nhau không biết tết ngoài kia ra sao như một cách luyến tiếc. Ở đây, một ngày dài như 10 ngày ở nhà. Bệnh nhân nhi nào cũng đi kèm theo bố mẹ. Cả nhà ba người chen chúc trên chiếc giường hẹp. Con ốm, khóc, cha mẹ nẫu ruột, không hiếm hình ảnh những ông bố đảm vác con ngủ cả đêm trên vai.
Đồng cảnh ngộ, giữa những người chăm con ốm luôn len lỏi tình người nồng ấm, dẫu đã quen nhau lâu hay mới chỉ biết nhau vài giờ đồng hồ.
Những câu chuyện về hoàn cảnh gia đình xích gần họ lại. An ủi nhất với các bệnh nhân nhi phải nằm viện trong dịp tết là sự thăm hỏi ân cần của rất nhiều nhà hảo tâm.
Nhất là ngày 30, mùng 1 Tết, rất nhiều tổ chức, cá nhân vẫn dành thời gian đến thăm, lì xì cho các cháu nhỏ. Tết, nhiều hàng quán nghỉ nhưng chúng tôi cũng không lo đói. Ai về nhà được lại tiếp tế đồ ăn đến. Ai có hoàn cảnh khó khăn có thể đăng ký cơm từ thiện. Có ông bố ở phòng bên cạnh buổi nào cũng đi khắp các phòng hỏi ai có nhu cầu để anh đi nhận cơm từ thiện.
Hết lòng vì bệnh nhân
Nếu với mọi người, những ngày tết được thảnh thơi đón năm mới, thăm nom người thân, bạn bè thì với các thầy thuốc, tết vẫn tất bật với công việc. Những ngày giáp Tết, đưa con đến khám ở Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, phòng cấp cứu tấp nập. Tiếng trẻ con khóc liên hồi giữa đêm đông lạnh.
Tận tình với bệnh nhân nhi
Các bác sĩ làm việc liên tục: khám, chẩn đoán, thực hiện các biện pháp cấp cứu trước khi chuyển bệnh nhân về điều trị ở các khoa. Vừa tất bật khám cho nhiều bệnh nhân, bác sĩ Hồ Tĩnh Tâm nói với các đồng nghiệp, mình phải cấp cứu đến khi các cháu đỡ các triệu chứng cấp tính mới chuyển về khoa.
Đêm mùng 1 Tết, cô bác sĩ người Quảng Nam nhỏ nhắn vẫn một mình khám bệnh ở phòng cấp cứu của Khoa Nhi, làm hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân. Tết này, chị không về quê đón tết.
Ở phòng con tôi nằm, đa phần các cháu bị bệnh về hô hấp với những triệu chứng ho, sốt, chưa phải là bệnh nặng. Vậy nhưng, các điều dưỡng, bác sĩ vẫn luôn túc trực, có mặt ngay khi bệnh nhân cần để xử lý kịp thời. Nhập viện vào đêm khuya, con tôi vẫn được bác sĩ thăm khám kỹ. Cháu sổ mũi khó thở, bác sĩ cũng tận tình tự tay xịt mũi đến khi cháu thông mũi mới về nghỉ. Mỗi lần khám cho các cháu, các bác sĩ đều thăm hỏi rất kỹ từng chi tiết nhỏ.
Hai lần con tôi nhập viện đều gặp cô Hoà điều dưỡng nhận bệnh. Nhẹ nhàng và ấm áp là cảm giác chị mang lại cho người đối diện, điều đó rất cần với người nhà bệnh nhân đang ngập tràn cảm giác lo lắng. Lúc nào chị cũng nhẹ nhàng: “Cho cô Hoà tiêm nhé”. Một em bé cần nhịn bú suốt đêm để sáng mai lấy máu xét nghiệm, thế là mới tờ mờ sáng, chị đã đến lấy máu để cháu không bị đói.
Làm việc với bệnh nhân nhi cũng khó hơn người lớn. Chỉ việc lấy ven tiêm thuốc cũng rất khó khăn. Khi lấy ven cho con tôi, cô y tá phải toát mồ hôi, loay hoay gần nửa giờ tìm cả hai tay, hai chân vẫn không được, phải chờ đến tối cháu bớt sốt mới lấy được.
Có em bé 1 tuổi nằm viện quá lâu, cứ thấy bóng dáng y tá là oà lên khóc. Các cô y tá luôn phải dỗ dành, nựng nịu để các cháu phối hợp. Không hề có chuyện phải quen biết hay bồi dưỡng mới được quan tâm. Với những trường hợp khó khăn, các cô điều dưỡng còn trực tiếp xin quà của các nhà hảo tâm.
Tết năm nay, thời tiết độc hại nên bệnh nhân nhi nhập viện đông hơn, công việc của các y bác sĩ cũng vất vả hơn. Dù là đêm giao thừa, mùng một hay suốt những ngày tết, họ vẫn tận tuỵ với công việc. Họ không xem đấy là vất vả hay thiệt thòi vì phải trực tết, bởi đó là công việc họ lựa chọn. Tuy không thể sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình, các y bác sĩ vẫn vui khi đồng hành, điều trị cho các cháu nhỏ khỏi bệnh. Đó là nghĩa cử đáng tri ân nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Điều dưỡng Hoà chia sẻ: “Đối với chúng tôi, việc trực tết cũng như ngày thường, không có gì nặng nề cả. Nghề nào cũng có những đặc thù riêng của nó. Khi nhìn thấy những bệnh nhân nhỏ khỏe mạnh thì đó chính là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi”.
Bài, ảnh:MINH HIỀN