Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão
Sáng 17/7,ỨngphóvớibãosốSơtángầnngườivàonơiantoàtrận đấu c2 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với 27 tỉnh từ khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An ứng phó với bão số 1, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
Sơ tán gần 30.000 người
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 646/CĐ - TTg ngày 16/7 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 1.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các công điện chỉ đạo các hoạt động ứng phó với bão số 1.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6 giờ ngày 17/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.188 tàu/226.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm.
Khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 553 tàu biển và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1.
Tính đến 18 giờ ngày 16/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số 17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo.
Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có tổng chiều dài 6.692km đê (411km đê biển, 463km đê cửa sông, 4.869km đê sông); trong đó có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu; 8 công trình đang thi công dở dang và 4 vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý triệt để cần quan tâm triển khai phương án bảo vệ như: đê Hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân; xử lý sự cố lún sụt đê tả Hồng, huyện Mê Linh; cống Bộ Đầu tại K101+030 đê hữu Hồng (Hà Nội); cống Cồn Thoi trên đê Bình Minh II; gia cố 50m đoạn hợp long đê biển Bình Minh IV (Ninh Bình); cống Hà Hải tại K19+620 đê tả Lèn; dự án nâng cấp đê biển Nga Sơn (Thanh Hóa); nâng cấp đê cửa sông tả Thái (Nghệ An).
Sự cố đê điều: nứt mái đê phía đồng tại cống Cẩm Hà và sạt lở mái đê phía sông tại K25+850 đê hữu Cầu, Thành phố Hà Nội; lún, nứt đê hữu Thương đoạn K43+100-K43+400, tỉnh Bắc Giang; sự cố lún, sạt mái đê tả Mã đoạn K49+950-K50+950, tỉnh Thanh Hóa (hiện đã xử lý giờ đầu).
Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12 giờ ngày 17/7, Hải Phòng dự kiến từ 21 giờ ngày 17/7. Các địa phương khác tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người (Quảng Ninh 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021; Nam Định 1.128; Ninh Bình 347).
Dự báo đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Thanh Hóa
Nhận định về bão số 1, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết đây là một cơn bão mạnh nhất trong khoảng 3-5 năm gần đây ảnh hưởng đến miền Bắc Việt Nam.
Sáng 17/7, vị trí tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 310km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 24-48 giờ tới bão số 1 di chuyển Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h và có khả năng mạnh thêm, đến khoảng tối và đêm 17/7, bão đổ bộ vào khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi xuống Vịnh Bắc Bộ, khoảng sáng và trưa 18/7 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đây là kịch bản tương đối thống nhất của các Trung tâm Dự báo quốc tế và Việt Nam.
Ngoài ra cần lưu ý khả năng bão số 1 đi thấp (khe giữa Lôi Châu và Đảo Hải Nam (Trung Quốc), có thể đổi hướng di chuyển lệch hơn về phía Nam, mở rộng vùng ảnh hưởng xuống khu vực các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, kịch bản này có xác suất thấp nhưng vẫn cần phải lưu ý đề phòng.
Khả năng khác nếu bão đi cao vào Bắc Lôi Châu, thì nó sẽ vào đất liền Quảng Tây (Trung Quốc). Trường hợp này cả gió và mưa ở Việt Nam không quá lớn, trừ vùng biên giới, chiều 17/7 sẽ rõ hơn về điểm đổ bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 1, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, sau tăng lên cấp 12, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Từ khoảng chiều 17/7, Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Phạm vi ảnh hưởng của bão số 1 là các tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với cường độ gió bão mạnh cấp 9-10, sâu hơn trong đất liền các tỉnh, thành phố này có thể có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định có gió bão mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11.
Từ sáng 18/7, đất liền bắt đầu chịu tác động của gió bão, thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ trưa và chiều 18/7.
Dự báo bão số 1 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, tổng lượng mưa từ ngày 18-22/7 có khả năng lên tới 300-500mm, có nơi trên 700mm. Mưa cũng mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ nhưng với lượng ít hơn.
Thượng lưu các sông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m. Đỉnh lũ trên thượng lưu dòng chính sông Lô, Thao, sông Lục Nam, sông Bưởi, sông Hiếu có khả năng ở mức báo động 1 và trên báo động 1, các sông suối nhỏ trên hệ thống sông Đà, Thao, Lô và Thái Bình, sông Bôi, Hoàng Long đạt mức báo động 1-báo động 2.
Đỉnh lũ lớn nhất đến các hồ chứa trong đợt lũ Tuyên Quang 2000-3000m3/s, Thác Bà 1000-1500m3/s, Sơn La 3000-4000m3/s, Lai Châu 1500-2500m3/s, Hòa Bình 3000-4000m3/s.
"Nguy hiểm nhất đối với cơn bão này vẫn là tình hình mưa lớn trong và sau bão, đặc biệt đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc. Mưa lớn xảy ra sau nhiều ngày mưa dông và nắng nóng liên tiếp vừa qua khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng cao từ ngày 18/7 ở khu vực Bắc Bộ, trong đó nguy cơ cao tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng các tỉnh miền núi phía Bắc và ngập úng tại các khu đô thị ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên," Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý.
Giám đốc Mai Văn Khiêm cho hay hiện toàn bộ hệ thống các trạm quan trắc khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng thủy văn đặc biệt là các radar thời tiết ven biển tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1 đang hoạt động ổn định và sẵn sàng quan trắc tăng cường, bổ sung phục vụ dự báo bão số 1.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện, trong 2 ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản, tổ chức kiểm tra ở các địa phương để chuẩn bị tốt nhất phòng, chống bão số 1. Hiện, Quảng Ninh đã bố trí các lực lượng sẵn sàng ứng trực bão số 1 trên 1.000 người.
Ông Diện cho biết thêm toàn tỉnh có trên 6.000 tàu, 231 tàu đánh bắt xa bờ đã vào khu vực neo đậu an toàn.
Với nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh có 14.000 lồng hiện đã kiểm soát, chằng chéo đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. "Toàn bộ người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đã đưa vào vùng an toàn," ông Diện nói.
Hiện Quảng Ninh có khoảng trên 4.000 khách du lịch sẽ được đưa về đất liền trước khi bão đổ bộ. Đối với khách ở lại trên các đảo tỉnh sẽ bố trí ăn nghỉ, ổn định tình hình.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho hay ngày 16/7, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, tổ chức đoàn đi kiểm tra phòng, chống bão số 1.
Thành phố cũng kêu gọi tàu thuyền đánh bắt thủy sản, thông tin, liên lạc tới 1.918 phương tiện, với trên 6.000 người để vào bờ tránh trú bão cũng như tìm nơi neo đậu an toàn. Hiện, toàn bộ 1.731 phương tiện về vị trí neo đậu an toàn.
Tại đảo Bạch Long Vĩ có 27 phương tiện đang trong âu, 8 tàu hoạt động cách đảo 1-5 hải lý và nằm trong tầm kiểm soát.
Đối với đảo Cát Bà có 45 tàu du lịch đang hoạt động trong vịnh kín, 156 lồng bè nuôi trồng thủy sản đang kiểm soát.
"Còn đối với hoạt động du lịch, Hải Phòng hiện đang có 9.600 lượt khách đang lưu trú, thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động du khách về đất liền trong ngày hôm nay và sáng mai, nếu khách muốn ở lại thành phố sẽ bố trí ăn, ở an toàn," ông Nguyễn Đức Thọ thông tin.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, trước diễn biến bão số 1 và mưa lũ, tỉnh đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó.
Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương chủ động các phương án và lực lượng sẵn sàng phối hợp với các địa phương để ứng phó với bão số 1.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dù Ban Chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 1. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các địa phương cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền, cố gắng không có thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản./.
Theo TTXVN