Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước. Cải thiện hiệu quả đầu tư công chính là một yêu cầu quan trọng trong cải cách nền tài chính công của Việt Nam.
Đầu tư công cao, hiệu quả lại thấp
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017, ông Aaron Batten, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức trên 6% hiện nay cao hơn mức bình quân khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ vì chủ yếu dựa vào vốn đầu tư theo chiều rộng, thay vì dựa vào năng suất hay sự sáng tạo. Để có thể duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Đánh giá cao các ý kiến đã nêu về nguyên nhân, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công trong kế hoạch cải cách tài chính công, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết các ý kiến sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính công trong thời gian tới, nhằm hướng tới một nền tài chính công bền vững để phục vụ phát triển kinh tế bền vững.
Theo Kinh tế trưởng của ADB, Việt Nam là nước có tỷ lệ đầu tư công cao, ở mức từ 8 – 10% GDP đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cao gấp đôi các nước ASEAN và gấp ba lần so với nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, chất lượng đầu tư công của Việt Nam không cao. Với hệ số ICOR khoảng 5,2, nghĩa là Việt Nam phải đầu tư 5,2 đồng mới đạt được 1 đồng tăng trưởng, trong khi các nước trong khu vực chỉ đầu tư ở mức 3 – 4 đồng. Ông Aaron cũng chỉ ra rằng, với tình hình ngân sách hiện nay, xu hướng đầu tư công cao để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam khó có thể tiếp tục,
Đồng tình với đánh giá về hiệu quả đầu tư công, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính cho rằng, điểm hạn chế của nền kinh tế hiện nay là hiệu quả đầu tư tạo ra GDP của khu vực công rất thấp. Nguyên nhân là do tình trạng sử dụng lãng phí, thất thoát nhiều, cơ cấu chưa hợp lý. Trong khi đó, vốn đầu tư chủ yếu là từ tiền vay, do vậy, nhiều năm nay GDP của Việt Nam tăng chậm hơn tốc độ tăng nợ công.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệu quả đầu tư công thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chủ quan là lớn nhất. Đó là cơ cấu đầu tư công chưa hợp lý, vốn từ khu vực nhà nước chiếm tỷ lệ quá lớn, như các ngành giáo dục, y tế… Tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công còn phức tạp. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước đầu tư lớn thể hiện kỷ luật đầu tư công chưa chặt chẽ, gâp áp lực với điều hành ngân sách. Tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp chưa được khắc phục.
Cùng với đó, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn hạn chế, chậm cải thiện. Nhiều vấn đề về thể chế quản lý đầu tư công, bao gồm việc quy hoạch, lựa chọn dự án, thực hiện, quản lý, đánh giá, giám sát dự án còn yếu kém, chưa theo thông lệ quốc tế. Các dự án PPP để huy động đầu tư tư nhân mới chỉ tập trung ở lĩnh vực giao thông, năng lượng, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp. Tỷ lệ thu hút vốn trong các dự án PPP còn hạn chế.
Vốn ngân sách chỉ nên là “vốn mồi”
Để khắc phục vấn đề này, ông Bùi Tất Thắng cho rằng, yêu cầu cấp thiết là phải đổi mới tư duy về đầu tư công theo nhu cầu của phát triển bền vững. Trong điều kiện kinh tế thị trường và nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, việc bố trí vốn phải quán triệt nguyên tắc ưu tiên sử dụng vốn NSNN là “vốn mồi” để khai thác tối đa các nguồn vốn xã hội. Thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách rộng rãi đối với các dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dân sinh… Tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công.
Đồng thời, phải cải cách mạnh mẽ công tác quản lý đầu tư công ở tất cả các khâu của chu kỳ dự án. Theo đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư. Lựa chọn dự án nhất thiết phải theo hình thức đấu thầu công khai. Giám sát thực hiện dự án một cách công khai, minh bạch. Việc đánh giá dự án phải được thực hiện bởi một tổ chức độc lập, chuyên nghiệp, công khai kết quả đánh giá….
Để cải thiện hiệu quả đầu tư công, ông Aaron Batten cũng nhấn mạnh giải pháp thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Theo ông Aaron, nên sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để làm vốn mồi để thu hút đầu tư tư nhân. Đồng thời, sử dụng bảo lãnh chính phủ một cách có trọng tâm, trọng điểm, thay vì sử dụng thiếu kiểm soát như trước đây. Kinh tế trưởng của ADB ủng hộ việc siết chặt bảo lãnh chính phủ và cần có quy định rõ ràng để quản lý việc bảo lãnh không gây ra nghĩa vụ dự phòng với NSNN.
Lưu ý đến vấn đề lớn nữa là sự phân tán nguồn lực trong tài chính công, GS. TS Nguyễn Công Nghiệp cho biết, nguồn lực của chúng ta ít nhưng lại phân tán cả theo chiều ngang và chiều dọc. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, càng phân tán thì hiệu quả sử dụng càng thấp. Do đó, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế phân cấp hiện hành để đảm bảo nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.
Phát biểu về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với nhận định của các chuyên gia và cho rằng, đây là một thách thức với Việt Nam khi đầu tư công/GDP cao mà hiệu quả lại thấp. Theo Thứ trưởng, không thể để tình trạng đầu tư công chiếm 8 – 10% GDP, nhưng “sau một hồi phân bổ thì đầu tư công cho những dự án trọng điểm quốc gia còn không quá 25%. Vốn trong nước đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải trọng điểm có năm không quá 2%”
H.Y