Hũ gạo ấm lòng phụ nữ nghèo
Chị Thị Gái (người Khmer),nh lsoi keo monza ở ấp Cần Dực là chủ hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà chị có 5 người, trong đó 2 con nhỏ đang tuổi đến trường; cha bị bệnh lâu năm, tháng nào cũng phải đi bệnh viện chạy thận. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của cả gia đình đều phụ thuộc vào ngày công đi làm thuê của vợ chồng chị. Vậy mà hơn 5 năm nay, như một thói quen, mỗi bữa nấu cơm, chị Thị Gái đều bốc lại 2 nắm gạo bỏ vào cái chai tiết kiệm, treo ngay góc bếp. Đến ngày đi sinh hoạt hội phụ nữ, chị mang theo và đổ vào hũ gạo tình thương. Chị Gái bộc bạch: “Không có tiền giúp đỡ chị em nên mỗi bữa mình tiết kiệm 2 nắm gạo. Cơm nhà mình ăn bớt đi một chút cũng không sao. Rất vui, rất tự tin khi mình còn nghèo nhưng vẫn có thể được làm theo lời Bác”.
Hũ gạo tình thương và heo đất tiết kiệm đều được mang đến nhà văn hóa trong các buổi sinh hoạt định kỳ ở Chi hội phụ nữấp Cần Dực
Hình thức tiết kiệm của chị Thị Gái đã và đang trở thành nếp sống thường ngày của rất nhiều phụ nữ ở xã Lộc Thành. Những năm trước, việc học và làm theo Bác của phụ nữ xã biên giới có hơn 43% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này rất khó khăn do kinh tế phần lớn còn nhiều thiếu thốn và 74 hội viên phụ nữ nghèo làm chủ hộ cần được giúp đỡ. “Nhờ tuyên truyền đúng hướng và cách làm “trúng” tâm tư, nguyện vọng của hội viên nên từ năm 2011 đến nay, phong trào hũ gạo tiết kiệm đã nhanh chóng phát triển rộng khắp toàn xã, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân” - bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Thành chia sẻ.
Hiện mô hình hũ gạo tình thương đã có mặt ở 4 chi hội phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số là Cần Dực, K’Liêu, Tà Tê 1, Tà Tê 2. Trung bình mỗi kỳ sinh hoạt có khoảng 15-30kg gạo được gom lại, sau đó, Ban Chấp hành hội chọn giúp đỡ 1 hoặc 2 gia đình hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, bị bệnh hiểm nghèo.
Nhận gạo hỗ trợ từ các hội viên của Chi hội phụ nữ ấp Cần Dực, chị Nghiêm Thị Tuyến quẹt vội giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nói: “Số gạo của chi hội tuy nhỏ nhưng nặng nghĩa tình, giúp vợ chồng tôi có thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật".
Heo đất trao sinh kế vượt khó
Nếu như hũ gạo tình thương được ví như “trao con cá” cho hội viên nghèo, thì phong trào tiết kiệm nuôi heo đất được hội nhấn mạnh là nhằm trao những “chiếc cần câu” giúp hội viên khó khăn có phương tiện, sinh kế vượt khó. Thông qua nhiều hình thức, hiện mỗi chi hội nuôi từ 1-2 con heo đất bằng tiền tiết kiệm sau mỗi buổi đi chợ, tiền bán rau, trái cây trong vườn hoặc bỏ heo tại các cuộc họp chi, tổ hội, nhóm, câu lạc bộ định kỳ. “Điều đáng mừng là con em chúng tôi cũng đã nhìn thấy và làm theo. Các con hay tiết kiệm tiền quà bánh, tiền tiêu vặt bỏ heo đất” - hội viên Thị Siêng chia sẻ ý nghĩa khi tham gia mô hình.
Định kỳ hằng năm, cứ đến ngày 8-3, khoảng 15 con heo đất của các chi hội được tham dự ngày hội khui heo đất do Hội LHPN huyện Lộc Ninh tổ chức. Ngay sau ngày hội khui heo đất với số tiền từ 5-7 triệu đồng, mỗi cơ sở hội đều bắt tay vào việc khảo sát nhu cầu vay vốn của hội viên nghèo để trao phương tiện sinh kế như: Tặng sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm, hỗ trợ cây - con giống, hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ... Từ quỹ nuôi heo đất của hội, đã có hàng chục hội viên thoát nghèo mỗi năm.
Thấy được lợi ích thiết thực của các phong trào nên từ chỗ chỉ có 510 hội viên tham gia sinh hoạt, đến nay đã tăng lên 954 hội viên. Vai trò, vị thế của tổ chức hội qua đó cũng ngày càng được củng cố, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Hội LHPN xã Lộc Thành vinh dự nhiều năm liên tục được Hội LHPN tỉnh và huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.