Đã rà soát hơn 25 nghìn tài khoản mạng xã hội
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP đã chỉ đạo các Cục Thuế, các sở, ban, ngành có liên quan cùng vào cuộc để phối hợp triển khai thu thuế với hoạt động kinh doanh TMĐT.
Tại Cục Thuế Hà Nội, cơ quan Thuế đã thực hiện rà soát, thu thập cơ sở dữ liệu (danh tính, số điện thoại…) của 13.422 chủ tài khoản trên mạng xã hội có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng. Trong số này có 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế.
Để thực hiện hướng dẫn có hiệu quả đến các cá nhân kinh doanh TMĐT, Cục Thuế Hà Nội đã gửi tin nhắn trên hệ thống SMS đến các chủ tài khoản được xác định là chưa đăng kí thuế, hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan Thuế. Sau nhiều lần thông báo, đến nay đã có 1.941 phản hồi thông tin về cơ quan Thuế. Từ đó số lượng cá nhân kinh doanh còn hoạt động đã thực hiện đăng kí thuế là 499 trường hợp.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, qua 1 thời gian thực hiện rà soát, thống kê và hướng dẫn người nộp thuế, cơ quan Thuế đã gửi 13.145 giấy mời (trên tổng số 15.297 trang web và tài khoản facebook do cơ quan Thuế thu thập). Từ đó đã lập được biên bản xác định số liệu với 3.605 tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.
“Nhìn chung, trong một thời gian ngắn, cơ quan Thuế đã giúp người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực TMĐT xác định được nghĩ vụ phải kê khai nộp thuế, nắm rõ được chính sách thuế để tự giác thực hiện kê khai nộp thuế. Đồng thời tác động đến tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh donah TMĐT về nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế và tạo được sự đồng tình của dư luân”, Bộ Tài chính đánh giá.
Hệ thống pháp lý thiếu đồng bộ
Trong quá trình triển khai công tác rà soát thu thập dữ liệu và hướng dẫn người nộp thuế đăng kí thông tin và thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan chức năng cũng phải thừa nhận, cách quản lý thuế của cơ quan Thuế các cấp hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác.
Lý giải nguyên nhân, cơ quan quản lý thuế cho rằng, hiện nay vẫn khó xác định chính xác được người nộp thuế, doanh thu phát sinh, thiếu đầu mối phát hiện đối tượng nộp thuế mới và nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh, toàn bộ quá trình giao dịch...
Hơn nữa, hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Đây là một khó khăn cho ngành thuế throng việc quản lý thuế đối với các mạng nước ngoài kinh doanh theo hình thức thông qua mạng internet. Bộ Tài chính dẫn chứng, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua các đại lý Việt Nam. Do vậy chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật khi phát sinh doanh thu. Điều này dẫn tới phụ thuộc vào ý thức về nghĩa vụ thuế của các đại lý.
Đặc biệt, hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động TMĐT còn có những nội dung chưa đồng bộ và hoàn thiện, đòi hỏi người cán bộ công chức nhà nước phải có trình độ để nghiên cứu tổng thể các pháp luật có liên quan, phải có tính sáng tạo và cái tâm trong sáng để xử lý đảm bảo không ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như quyền lợi của người nộp thuế.
Trước tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT, Bộ Tài chính cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tiếp tục phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với các công ty cung cấp dịch vụ internet (VDC, FPT, Mobifone, VinaPhone, Viettel,..) về số lượng và giá trị giao dịch TMĐT; về việc thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch TMĐT. Đồng thời phối hợp với các cơ quan ban, ngành có liên quan rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, lĩnh vực thuế để tăng cường tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT cố tình trốn thuế, tránh thuế.