Linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những nút thắt để phát triểnTại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã xem xét, thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trong đó bao gồm 5 nhóm chính sách lớn. Về bản chất là Quốc hội cho phép được làm khác với luật trong thời hạn nhất định đối với các dự án, công trình đường bộ đã được chỉ định tại phụ lục kèm theo nghị quyết. Theo các đại biểu Quốc hội, điều này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển kinh tế xã hội các địa phương và đang rất được cử tri mong chờ. Bên cạnh đó, nghị quyết quy định chặt chẽ để việc thực hiện thí điểm có hiệu quả, rõ địa chỉ, phạm vi, thời gian áp dụng, tránh dàn trải đúng với tính chất thí điểm.
Tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, cử tri và nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai các dự án đường cao tốc, góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn nhiều khó khăn. Hiện tại, dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang triển khai và đây là dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng. “Việc cho phép dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được chuyển nguồn để tiếp tục thực hiện là hết sức cần thiết, nếu không sẽ gây áp lực cho việc cân đối các năm sau, ảnh hưởng đến nguồn bố trí cho các dự án trung hạn, có thể dẫn đến các dự án đường cao tốc phải dừng lại” - đại biểu khẳng định. Đồng hành, chia sẻ với người dân và doanh nghiệpKhông chỉ có vậy, ngay khi Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội đã làm việc kịp thời, khẩn trương để bổ sung vào chương trình nội dung hai nội dung quan trọng về thuế tối thiểu toàn cầu và thuế giá trị gia tăng.
Trước đó, nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu đi cùng với cơ chế hỗ trợ đầu tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trong đó dự thảo nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư đã được xem xét tới 2 lần, nhưng do đây là những vấn đề rất mới và phức tạp, các biện pháp hỗ trợ đầu tư phải bảo đảm không vi phạm quy định của OECD; đồng thời phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, tránh các hệ lụy cho ngân sách, do đó đòi hỏi phải cân nhắc và chuẩn bị rất kỹ để bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trước thực tế nếu Việt Nam không áp dụng chính sách này từ 1/1/2024 thì các nước khác cũng áp dụng, và như vậy ảnh hưởng đến quyền đánh thuế của quốc gia. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, các nhà đầu tư cũng mong muốn Việt Nam sớm thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024. Chính vì vậy, Quốc hội đã xem xét, quyết định thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để kịp thời áp dụng từ 1/1/2024. Đồng thời, nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, Quốc hội đã bổ sung và thông qua việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 (quyết nghị trong Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, chính sách này sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
Những quyết sách này là một trong những biểu hiện về sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời trước các vấn đề thời sự, cấp bách của đất nước, của người dân. Trước đó, những năm đầu của nhiệm kỳ, khi đất nước đối mặt với tác động nặng nề của đại dịch Covid, cùng với đó là tác động từ những bất ổn trên thế giới, Quốc hội cũng đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành, trao “thượng phương bảo kiếm” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành và áp dụng những biện pháp đặc thù, góp phần đẩy lùi và kiểm soát đại dịch. Chưa đến 6 tháng sau, trong kỳ họp bất thường, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được coi là gói chính sách hỗ trợ lớn chưa lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, TP. Hải Phòng và đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh đã được thông qua để tạo động lực cho các địa phương phát huy lợi thế, tăng tính liên kết vùng. Từ đây, “nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện” - theo khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
|