Dừng là tất yếu Với chính sách chung của Tập đoàn, từ 26/3, cùng các nhà máy Ford trong khối Các Thị trường Quốc tế (IMG) Ford Việt Nam công bố tạm dừng sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương. Sau Ford Việt Nam, lần lượt Toyota Việt Nam (28/3), Mercedes Benz Việt Nam (30/3),TC Motor (1/4), Honda Việt Nam (1/4), và mới đầy nhất là VinFast (5/4), Nissan (6/4) đều tạm ngừng hoạt động nhà máy. Cùng với việc tạm ngừng sản xuất, nhiều hãng cũng công bố tạm đóng cửa đại lý trưng bày, xưởng dịch vụ sản xuất. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Ngọc Đức- Tổng giám đốc TC Motor cho biết: Quyết định tạm ngưng sản xuất của TC Motor xuất phát từ mục tiêu nhằm bảo vệ lực lượng lao động khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là lý do tạm ngừng hoạt động của các hãng khác. Thời điểm hoạt động trở lại đều chưa được các hãng xác định chính xác mà vì tùy thuộc diễn biến dịch bệnh và chỉ thị của Chính phủ. Tuy chưa công bố dừng sản xuất song dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nhất định tới một số hoạt động của Thaco, doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam. Nhờ phân xưởng của nhà máy sản xuất ô tô khá rộng lớn, chủ yếu điều khiển bằng robot nên việc giãn cách lao động của Thaco được thực hiện không quá khó khăn. Người lao động được yêu cầu giãn cách theo ca, thay phiên nghỉ. Nhân viên văn phòng được yêu cầu giãn cách làm việc nên chỉ khoảng 40% đi làm trực tiếp, còn lại được làm việc tại nhà. Chưa dừng sản xuất, nhưng nhiều đại lý của Thaco trên khắp cả nước phải tạm dừng hoạt động đến 15/4. Sức mua giảm Là ngành sản xuất có đặc thù phải lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trước 3 đến 6 tháng, diễn biến nhanh, phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp không kịp điều chỉnh kế hoạch. Việc tạm ngừng sản xuất là bất khả kháng do dịch bệnh, tuy nhiên điểm khiến các hãng lo lắng nhấp nhổm hơn cả đó là sức mua giảm. Hiện tại, thị trường tiêu thụ ôtô ở Việt Nam rất trầm lắng. Trong khi đó, nhiều ngành vận tải bị yêu cầu dừng hoạt động để chống dịch nên nhu cầu lại giảm sâu hơn. Từ đầu tháng 2/2020 doanh số bán hàng của các đại lý, hãng xe lần lượt lao dốc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong quý I, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%. Đây là mức giảm sâu so với mức tăng 17,9% cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch khẩu linh phụ kiện ngành ô tô ước đạt 907 triệu USD, giảm 7% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56.200 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ( VAMA) cho rằng lượng tiêu thụ ô tô trong năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của VAMA. Có thể nói các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang phải đối mặt với khó khăn kép, vừa khó khăn trong sản xuất, vừa khó khăn trong tiêu thụ. Trong khi đó triển vọng kinh tế trong thời gian tới được cho là không mấy sáng sủa khiến dự báo về việc tiêu thụ xe sẽ cần phải nhiều thời gian để phục hồi. Chưa kể thời gian tới, khi dịch bệnh ngày càng phức tạp trên thế giới, việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn khi mà hiện nay 60-70 lượng phụ tùng, linh kiện ô tô nhập khẩu từ các nước khác, nằm trong một chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu ước tính cho thấy 15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô chỉ đạt 150 triệu USD, giảm gần 10 triệu USD so với cùng kỳ tháng trước và giảm hơn 20 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Giám đốc phụ trách sản xuất của một doanh nghiệp cho biết: Để sản xuất thành phẩm một chiếc ô tô có hàng nghìn chi tiết, chỉ cần thiếu một chi tiết là không thể sản xuất được. Giảm giá có phải là cứu cánh ? Diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, giải trí, giao thông vận tải,... đã giảm hoặc tạm dừng hoạt động dẫn tới sụt giảm đáng kể nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Các đại lý bán ô tô, nhất là mảng xe thương mại (xe tải, xe khách) gần như không ký được hợp đồng mới. Nhu cầu mua xe hơi giảm sâu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô đang đứng trước bài toán giảm giá xe hoặc chịu giảm mạnh doanh số. Thực tế từ tháng 2, các mẫu xe trên thị trường đã giảm, đơn cử như Toyota Fortuner, Honda CRV, Ford Everest, Explorer đều đang được giảm giá từ 30 triệu đồng lên đến gần 300 triệu đồng/chiếc. Các mẫu sedan như Kia và Mazda hiện cũng đều được giảm giá từ 10 đến 30 triệu đồng như Hyundai Accent, Kia Cerato hay Mazda 2, 3.... Hay như ở phân khúc MPV, Xpander và Innova tại đại lý ở Hà Nội cũng đang được khuyến mãi chiết khấu hàng chục triệu đồng từ đại lý và nhân viên kinh doanh. Các động thái giảm giá đều nhằm kích cầu, tăng lượng tiêu thụ, tuy nhiên kết quả không được như mong muốn. Trong khi đó, theo kế hoạch, năm 2020, hàng loạt hãng xe ra mắt mẫu mới (như Mitsubishi Pajero Sport 2020; Nissan Xtrail 2021 hay Suzuki Ertiga 2020...) khiến về cuộc cạnh tranh giá sẽ tiếp tục căng thẳng.
Bàn về bàn toán giảm giá kích cầu thị trường, tăng sức mua sau dịch bệnh, giám đốc kinh doanh một đại lý cho biết: ô tô là loại hàng hóa cần có một thời gian khá lâu để phục hồi sau suy giảm. Chưa nói đến tâm lý khách hàng mua xe đôi khi không phụ thuộc vào giá. Việc giảm giá sản phẩm có những thời điểm dường như phản tác dụng. Áp lực hàng tồn kho đè nặng lên đại lý cũng như nhà sản xuất trong bối cảnh chi phí lãi vay ngân hàng, nhà xưởng, nhân công, cửa hàng… vẫn phải chi đều. Phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy, thị trường ô tô sau giai đoạn tạm ngừng sản xuất, khi dịch bệnh giảm bớt sẽ rất khó lường. Mức tiêu thụ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế. Thị trường có thể sụt mạnh dù các hãng nỗ lực giảm giá. Năm 2020 dự báo mức độ cạnh tranh trên thị trường ô tô sẽ trở nên gay cấn, khốc liệt hơn rất nhiều. Nếu diễn biến dịch bệnh theo xu thế tốt, quý 3, thời điểm các hãng bị đè nặng bởi áp lực doanh số, hàng cũ tồn kho, hàng mới về nhiều khả năng sẽ bùng nổ cuộc chạy đua giảm giá.
|