Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn” mới đây, đại diện Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là điều kiện tiên quyết và cấp bách hiện nay.
"Nếu coi rác là tài nguyên thì việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế, xử lý chất thải. Làm tốt công tác phân loại rác còn giúp nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý, chôn lấp",đại diện nói.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm toàn quốc phát sinh khoảng hơn 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Điều đáng nói, do không được phân loại từ nguồn, rác vô cơ hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến 80% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp.
Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các khiếu nại, bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực do rỉ nước gây ô nhiễm.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường quy định bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình phải phân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn khác.
Việc phân loại rác tại nguồn đã và đang được thí điểm thực hiện ở một số nơi trước khi áp dụng đại trà trên cả nước nhưng kết quả không như mong đợi. Nguyên nhân chính do thói quen của người dân chưa thay đổi và chưa hiểu ra trách nhiệm trong phân loại rác.
Đại diện Tổng công ty nước, môi trường Bình Dương nhận định, đa phần các loại rác hiện nay chưa phân loại, hỗn tạp từ rác hữu cơ, rác đường phố đến rác xây dựng (sửa chữa nhà, bếp,…), mảnh kính vỡ. Không có công nghệ xử lý rác thải nào có thể áp dụng được nếu không phân loại ngay từ đầu. Do vậy, cần làm tốt công đoạn đầu tiên là tiếp nhận, phân loại ngay, sau đó tùy vào đặc tính của từng loại mới đưa qua dây chuyền xử lý chuyên biệt.
Đại diện Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng cũng cho ý kiến, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường.
"Việc xác định giá dịch vụ thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể tích là cần thiết. Điều này nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường; phân loại rác, thu gom để tái chế. Qua đó cũng khắc phục tình trạng xả rác tùy tiện, bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách",chuyên gia này nói.
Theo báo cáo hội thảo, tại Hà Nội, từ năm 2006, một số phường thí điểm phân loại rác nhưng khó duy trì do thiếu đồng bộ về mặt hạ tầng thu gom và các quy định của pháp luật.
Đến tháng 6/2024, 5 quận nội thành của Hà Nội tiếp tục tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn bằng những địa điểm thu gom rác thải cồng kềnh phát sinh từ hộ gia đình. Tuy nhiên, việc thí điểm này chỉ được một số người dân hưởng ứng, còn đa số chưa có kỹ năng và thói quen với việc phân loại chất thải.
Mặt khác, theo yêu cầu phân loại chất thải tại nguồn, người dân cần chuẩn bị các loại bao bì đặc hữu, nhưng các sản phẩm bao bì này chưa được các đơn vị quy định cụ thể, chi tiết, đây cũng là một trong những vấn đề thách thức lớn.
Từ những ý kiến trên, Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam đề xuất cần có sự đầu tư phát triển đồng bộ, thống nhất trên cả nước về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Bên cạnh đó cần sự đồng bộ từ các dụng cụ lưu chứa rác thải tại các hộ gia đình, tổ chức, nơi công cộng.
Đồng thời, việc hướng dẫn, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng và hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cần sát sao.
"Tất cả nhằm tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên từ rác thải, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng “thói quen xanh” trong từng gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là hoàn thiện các hướng dẫn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường",đại diện Viện nhấn mạnh.
评论专区