Có kênh thủy lợi vẫn thiếu nước tưới
Gia đình ông Triệu Xuân Hiến ở thôn 4,ởĐăngHagraveCầnnguồnnướctướsoi kèo trận manchester city xã Đăng Hà canh tác 6.000m2đất trồng lúa. Vì thiếu nước tưới vào mùa khô nên mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa. Điều nghịch lý là mảnh ruộng của ông chỉ cách đường kênh thủy lợi hơn 100m, nhưng nước vẫn không dẫn tới nên việc canh tác lúa của gia đình ông chỉ biết trông chờ vào thời tiết. Vụ lúa thứ nhất trồng vào mùa mưa, còn vụ thứ hai ông phải lấy nước từ khe đá của các ngọn đồi dẫn vào ruộng. Nếu không có nguồn nước này thì ruộng phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Mỗi vụ ông thu 3 tấn lúa, sau khi trừ chi phí còn khoảng 10 triệu đồng. Tuy không thể làm giàu nhờ lúa nhưng ông cũng không thể bỏ nghề vì trồng lúa giúp cả gia đình không phải mua gạo ăn hằng ngày. Ông Hiến cho biết: “Ruộng của gia đình tôi nằm ở khu vực cao nên kênh thủy lợi không thể dẫn nước tới. Gia đình trồng lúa chủ yếu nhờ nước mưa, nước bàu là chính. Tôi rất mong có nguồn nước tưới từ kênh thủy lợi để thâm canh tăng vụ”.
Một đoạn kênh nhánh tại tổ 3, thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng bị bỏ hoang, vùi lấp nhiều năm
Một đoạn kênh khác ở thôn 4, xã Đăng Hà nhỏ, thấp nên nước thường xuyên chảy tràn làm ngập ruộng lúa. Trong khi cánh đồng gần ngập nước thì những cánh đồng xa lại thiếu nước tưới. Năm 2014, đoạn kênh này được sửa chữa, xây cao thêm nhưng không được bao lâu thì hỏng. Từ trồng 3 vụ lúa, bà Nông Thị Đoán dùng mảnh ruộng ngập nước để nuôi 50 con vịt. Vì gắn bó với nghề trồng lúa nhiều năm nên bà rất mong Nhà nước sửa chữa đoạn kênh để có thể duy trì 3 vụ lúa/năm.
Cánh đồng của bà Nông Thị Đoán (trái) thường xuyên ngập nước nên phải bỏ hoang
Theo chính quyền địa phương, hệ thống kênh thủy lợi xã Đăng Hà xây dựng gần 20 năm nay. Tổng chiều dài tuyến kênh chính và kênh nhánh là 17km, nhưng chỉ có khoảng 7km đang sử dụng hiệu quả, còn lại hư hỏng, nguồn nước chưa dẫn tới. Điển hình như một đoạn kênh nhánh nhỏ tại tổ 3, thôn 3, từ lúc xây dựng xong chưa sử dụng, bỏ hoang đến nay. Thiết kế tuyến kênh chưa phù hợp, độ rộng bằng 1 bàn chân, chiều cao khoảng 40cm. Bên cạnh đó, đường kênh chính ở vùng trũng thấp, còn kênh nhánh ở khu vực cao nên không thể dẫn nước tới toàn bộ cánh đồng. Do bỏ hoang lâu ngày nên nhiều đoạn kênh đã bị vùi lấp, cỏ mọc um tùm. Tuy có đường kênh thủy lợi nhưng những cánh đồng ở khu vực này chỉ trồng lúa 1 vụ.
Cần đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi
Không chỉ hệ thống kênh mương chưa được cải tạo, sửa chữa mà các máy bơm của Trạm bơm Đăng Hà cũng thường xuyên hư hỏng. Năm 2006, trạm bơm được đưa vào sử dụng, lấy nước từ sông Đồng Nai cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Do hệ thống kênh thủy lợi hư hỏng nên nước chỉ dẫn tới 2 vùng tại thôn 3 và 1 vùng tại thôn 4. Hệ thống máy bơm được chia làm 2 tổ máy, tổ máy chìm có 3 bơm, nhưng chỉ có 1 máy hoạt động, còn 2 máy hư chưa sửa chữa. Tổ máy bơm nổi hoạt động tốt nhưng về mùa khô mực nước sông xuống thấp, ống không hút được. Theo lịch cấp nước, cách 1 tuần trạm bơm hoạt động 1 lần, thông qua hệ thống kênh thủy lợi dẫn nước vào cánh đồng. Thời gian hoạt động từ 3-4 ngày, mỗi lần bơm khoảng 10 giờ. Do tình trạng máy bơm nước hư hỏng kéo dài nhiều năm, đến nay Trạm bơm Đăng Hà vẫn chưa khắc phục, sửa chữa kịp thời nên vào mùa khô thường xuyên thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là cánh đồng lúa.
Do kênh thủy lợi ở thôn 4, xã Đăng Hà hư hỏng nên nước thường xuyên chảy tràn ra cánh đồng
Bà Vũ Thị Hồng Thùy, Trạm trưởng Trạm Dịch vụ thủy lợi Bù Đăng cho biết: “Thời gian qua, Trạm bơm Đăng Hà phục vụ nước tưới cho khoảng 70 ha, phần lớn là lúa, còn lại 9 ha hoa màu. Nhiều khu vực nước không dẫn tới được do một số đoạn kênh thấp hơn cánh đồng. Một số đoạn kênh đã hư hỏng nhiều năm, nước tràn ra ngoài không dẫn tới cánh đồng. Chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng khắc phục sửa chữa máy bơm cũng như cải tạo hệ thống kênh mương để người dân lấy nước thuận tiện”.
Đoạn kênh tại thôn 4, xã Đăng Hà hư hỏng chưa được sửa chữa
Hiện nay, toàn xã Đăng Hà có hơn 3.500 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cao su, điều, cà phê, cây ăn trái, lúa và hoa màu. Tổng diện tích lúa hơn 500 ha, nhưng hơn một nửa trồng từ 1-2 vụ và phụ thuộc vào thời tiết. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp sớm nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương, đầu tư sửa chữa máy bơm nước. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có phản hồi cụ thể. Ông Lục Đức Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho hay: “Địa phương đang xây dựng thương hiệu lúa gạo Đăng Hà. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống kênh thủy lợi cũng là điều kiện cần để phát triển cây lúa. Trong khi đó, hơn một nửa trong tổng số chiều dài kênh thủy lợi trên địa bàn xã hoạt động kém hiệu quả. Rất mong các ngành chức năng quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống kênh thủy lợi cho phù hợp, đề nghị xây cao nâng nổi trên bề mặt chứ không để âm dưới đất như hiện nay, rất khó cho việc dẫn nước”.
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 13-7-2020 của HĐND tỉnh Bình Phước về quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C của tỉnh năm 2020, giai đoạn 2021-2025, trong đó, huyện Bù Đăng được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu cho cánh đồng Đăng Hà. Theo chủ trương đầu tư, dự án có quy mô xây dựng 1 hồ chứa nước diện tích 10 ha và 2km kênh dẫn dòng, tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng. Tháng 9-2022, UBND huyện Bù Đăng làm tờ trình gửi UBND tỉnh. Theo đó, huyện đề nghị điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư dự án hệ thống kênh tưới cho cánh đồng Đăng Hà là 200 tỷ đồng.
Với mức 200 tỷ đồng thì huyện Bù Đăng sẽ đầu tư các hạng mục đập chứa, đập tràn, kênh tưới tiêu, đường giao thông quản lý, xây mới và nâng cấp trạm bơm, xây mới hệ thống kênh mương đã xuống cấp không còn phù hợp dẫn nước... Nếu được tỉnh phê duyệt, huyện sẽ triển khai làm trong thời gian sớm nhất để phục vụ nước tưới cho các cánh đồng lúa và sản xuất nông nghiệp tại Đăng Hà. |
Ông TRẦN VĂN PHƯƠNG Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng |
Phần lớn nguồn thu nhập chính của người dân xã Đăng Hà từ sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa. Với người dân nơi đây, trồng lúa không chỉ bảo đảm cung cấp lương thực cho gia đình mà còn để nâng cao thu nhập. Song, hệ thống kênh thủy lợi chưa khai thác hết hiệu quả cung cấp nước cho cánh đồng. Đây là rào cản lớn trong sản xuất nông nghiệp ở Đăng Hà. Do vậy, việc xây dựng hệ thống kênh thủy lợi, cải tạo trạm bơm là “chìa khóa”, rất cần thiết để phát triển cây lúa. Xa hơn là hình thành vùng chuyên canh lúa gạo sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến xây dựng bền vững thương hiệu “gạo Đăng Hà”.