(CMO) Thực hiện các chương trình giảm nghèo của Chính phủ (Chương trình 30a, 135...), xã Viên An, huyện Ngọc Hiển tích cực hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, kỹ thuật… giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.
Mô hình nuôi dê thương phẩm bước đầu phát huy hiệu quả. |
Thực hiện Chương trình 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, xã Viên An được phê duyệt 625 triệu đồng để nuôi dê thương phẩm. Căn cứ dự án được phê duyệt, đầu tháng 5 vừa qua, xã đã cấp phát 156 con dê giống cho 52 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Theo đó, mỗi hộ được nhận 3 con dê giống trị giá 10,5 triệu đồng. Do chất lượng nguồn con giống đảm bảo, được tiêm phòng đầy đủ nên hiện nay dự án nuôi dê bước đầu phát huy hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND xã Viên An Thái Thị Kim Dung cho biết: “Bắt đầu thực hiện dự án này, nhiều bà con đồng tình ủng hộ, tuy nhiên, không ít người lo ngại do đây là mô hình khá mới mẻ. Nắm bắt tâm lý của người dân, xã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho dân hiểu về hiệu quả phát triển kinh tế của mô hình nuôi dê. Đồng thời, lựa chọn con giống chất lượng từ trang trại có uy tín giao về cho người dân nuôi nên hiện tại bà con rất yên tâm”.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, ấp Vịnh Nước Sôi A, xã Viên An mới cảm nhận được sự phấn khởi và niềm hy vọng về một tương lai mới đang hiện rõ trên gương mặt. Gia đình anh Khánh không có đất sản xuất, để trang trải cuộc sống, anh Khánh phải đi bắt ba khía, làm mướn đủ nghề. Thu nhập bấp bênh lại còn lo cho con nhỏ ăn học nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Được xã hỗ trợ 3 con dê giống, gia đình anh phấn khởi ra sức chăm sóc. Theo anh Khánh, dê ít bệnh tật, dễ nuôi, ít tốn chi phí lại nhẹ công chăm sóc. Người nuôi chỉ cần làm chuồng trại cao ráo, thoáng mát cho dê ở, siêng đi cắt cỏ cho dê ăn thì đàn dê sẽ nhanh phát triển.
Anh Khánh cho hay: “So với nuôi heo, gà, vịt, nuôi dê khoẻ hơn nhiều. Tôi đi làm suốt ngày, để bầy dê cho vợ với mấy đứa con chăn. Hễ rảnh là tụi nhỏ đi kiếm cỏ cho dê ăn. Nhờ vậy mà đàn dê nhà tôi lớn nhanh, 2 con dê cái trong đàn đã có dấu hiệu sinh sản rồi, tôi mừng lắm”.
Ngoài hộ anh Khánh còn có hộ gia đình chị Phạm Thị Nhi, ấp Vịnh Nước Sôi, xã Viên An cũng được hỗ trợ dê giống. Nhận được dê, chị đã mượn vốn làm chuồng, ra sức chăm sóc. Nhìn đàn dê khoẻ mạnh, lớn nhanh, gia đình chị không khỏi vui mừng và nuôi hy vọng thoát nghèo. Chị Nhi chia sẻ: “Nhà chỉ có 3 mẹ con, sống gói ghém dựa vào buôn bán cóc ken sống qua ngày. Được xã quan tâm, tạo điều kiện cho được mấy con dê, tôi mừng lắm. Từ lúc bắt đầu nuôi tới giờ có trục trặc gì thì gọi cho mấy anh ngoài xã là được hướng dẫn tận tình, có khi chạy vô tới nhà để hỗ trợ”.
Bên cạnh việc hỗ trợ về con giống, ngay từ khi cung cấp dê giống cho người dân, xã đã tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quá trình chăm sóc cho đến khâu làm chuồng trại. Đồng thời, cấp phát thuốc thú y cho các hộ dân để kịp thời tiêm ngừa, phòng bệnh cho vật nuôi. Song song đó, xã còn phân công cán bộ phụ trách dự án nuôi dê để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi, góp phần phát huy tối đa hiệu quả của dự án.
“Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án nuôi dê thương phẩm, xã đã cân nhắc đến đầu ra cho sản phẩm. Nếu người dân thực hiện hiệu quả mô hình này, xã sẽ vận động thành lập tổ hợp tác nuôi dê. Khi người dân có nhu cầu bán dê giống hoặc dê thịt, xã sẽ liên hệ với trang trại dê ở Cần Thơ thu mua nên về đầu ra đảm bảo ổn định. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân yên tâm chăn nuôi, tăng đàn dê trong thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND xã Viên An Thái Thị Kim Dung cho biết thêm./.
Trúc Linh