Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục nhu cầu cao về ngô nhập khẩu từ Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và công nghiệp chế biến thực phẩm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, tháng 7/2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Ấn Độ có mức tăng trưởng đáng kể, đạt 1,26 tỷ USD, tăng 6,06% so với mức 1,18 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 7/2023 đạt mức 766 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam đạt 490 triệu USD giảm 12,5% trong cùng kỳ. Thặng dư thương mại trong tháng 7/2023 ở mức 275 triệu USD nghiêng về phía Việt Nam. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ cho thấy nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với 199,2 triệu USD, tăng 152,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chiếm 26%. Đứng thứ hai là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với giá trị 115,5 triệu USD, tăng 3,2% và chiếm tỷ trọng 15,1%. Đứng thứ ba là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với giá trị 90,7 triệu USD, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2022. Một số nhóm hàng có mức tăng trưởng ấn tượng như: hạt điều tăng 34 lần từ mức 6 nghìn USD lên 11,3 triệu USD; sắt thép các loại tăng hơn 10 lần từ mức 4,6 triệu USD lên 52,6 triệu USD; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng gần gấp 4 lần từ 2,6 triệu USD lên 13,3 triệu USD. Ngược lại một số nhóm hàng cho thấy sự suy giảm đáng kể như giày dép các loại giảm 63% từ 28 triệu USD xuống còn 10,2 triệu USD; xơ sợi dệt các loại giảm 53% từ 10,8 triệu USD xuống 5 triệu USD. Xét về các nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ cho thấy nhiều sự chuyển biến đáng kể. Đáng chú ý là sự tăng trưởng vượt bậc của nhập khẩu nhóm hàng ngô, từ 1,3 triệu USD trong tháng 7/2022 lên 59 triệu USD tháng 7/2023, với mức tăng trưởng gấp gần 42 lần, chiếm 12% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ, là nhóm hàng nhập khẩu hàng đầu mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ. Ngược lại nhóm hàng máy móc thiết bị với giá trị 30 triệu USD (chiếm tỷ trọng 6,1%), giảm 43% so với mức 53 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022; nhóm hàng thủy sản với giá trị 29,7 triệu USD (chiếm tỷ trọng 6%), giảm 38%. |