Nghệ sĩ trong lòng Nhân dân Nhạc sĩ tài ba, nhà văn hoá ưu tú Trần Hoàn (27/12/1928 - 23/11/2003) về miền mây trắng cách đây 20 năm. Ông có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà. Ở ông hòa quyện một cách nhuần nhuyễn phẩm chất, tài năng và nhiệt huyết cách mạng của người chiến sĩ, người nghệ sĩ. Phong cách sáng tác của ông độc đáo ở những câu từ rất dân dã, đơn giản, rất “văn nói” nhưng chính vì vậy đã để lại ấn tượng sâu sắc, gần gũi với người nghe. PGS.TS Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương trong lời mở đầu “Nhớ nhạc sĩ Trần Hoàn” đã viết: Nhớ về ông là nhớ về di sản tinh thần quý báu với hàng trăm ca khúc ông đã sáng tác, trong đó có những tác phẩm xuất sắc, đằm thắm, tha thiết, đi mãi cùng năm tháng: Một mùa xuân nho nhỏ (1980, thơ Thanh Hải), Sơn nữ ca (1948), Lời người ra đi (1950), Đợi anh về (1970), Lời ru trên nương (1971), thơ Nguyễn Khoa Điềm), Lời Bác dặn trước lúc đi xa (1989), Thăm bến nhà Rồng (1990)... Nhớ về ông là nhớ về những bài thơ cháy bỏng yêu thương, thấm đẫm tình nước non, quê hương, gia đình, đồng chí, bạn bè: Mẹ, Tôi vẫn sống, Cô lái đò sông Hương, Đọc thư con… Nhớ về ông là nhớ về những lá thư vượt tuyến, ông viết từ chiến trường, trong rừng sâu, dưới mưa bom bão đạn quân thù. Rất nhiều những lá thư vượt tuyến như thế, sau này khi ông đi xa, vợ ông đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục văn thư lưu trữ Nhà nước) khối lượng tài liệu khá đồ sộ của chồng mình, trong đó có 160 bức thư ông bà viết cho nhau.
Nhớ về ông là nhớ về người cán bộ văn hóa, nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ đa tài, hào hoa, say mê, nghĩa tình, nhân văn, trách nhiệm qua những suy nghĩ về văn hóa - văn nghệ; về Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng; về hình tượng Bác Hồ trên sân khấu; về giữ gìn bản sắc dân tộc trong văn hóa, trong âm nhạc; trong sân khấu, trong dân ca, dân nhạc, dân vũ; về giao lưu văn hóa với nước ngoài; về văn hóa Việt Nam trước những thử thách của kinh tế thị trường và hội nhập; về đời sống văn hóa ở cơ sở; về ca nhạc, dân ca Bình Trị Thiên quê hương ông. Người đã đi xa, câu hát còn để lại Người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ - GS.NSND, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương xúc động viết: 17 tuổi, cậu học sinh Trần Hoàn đã có bài hát đầu tay được xuất bản “Hồn nước” và hăm hở đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Với vốn liếng lý thuyết âm nhạc tự học và chất lãng mạn, ông gửi vào các ca khúc “Con chim non”, “Đàn chim xanh”, “Hồn sông Hương”, “Sơn nữ ca”… Trong gian khổ của vùng địch hậu, chất dí dỏm, hài hước được anh “truyền lửa” vào những bài hát sáng tác ở chiến trường Bình Trị Thiên, như “Con trâu kháng chiến”, “Bà Ba”, “Buồn cười cho thằng Tây” được đông đảo quần chúng yêu thích. Ca khúc “Lời người ra đi” như lời tạm biệt người vợ trẻ trước lúc ra tiền tuyến, như lời dặn dò hãy yêu nhau mãi mãi và giữ vững niềm tin, hãy “đợi anh về em nhé”. Bài hát thực sự viết ra từ sự rung động của trái tim nên nó đã có sức sống trên 40 năm, đến nay vẫn là bài hát được nhiều người yêu thích. Sau kháng chiến chống Mỹ (1966-1975), từ đất lửa Bình Trị Thiên, ông gửi ra Hà Nội nhiều sáng tác nóng bỏng bom đạn chiến trường: “Tiến về thành Huế”, “Trường Sơn”, “Ngắt cành hoa thầm tặng anh”… những bài hát đầy nhiệt huyết viết từ tiền phương của anh được thính giả đón nhận với một cảm tình đặc biệt. Và nhiều người hẳn không quên bài “Lời ru trên nương” – một ca khúc xúc động lòng người, ca khúc đánh dấu thành công của Trần Hoàn trong xử lý chất liệu dân ca và sau này là các ca khúc “Mưa lâm thâm ướt dầm lá khế”, “Mai em về Hà Tĩnh”, "Khúc hát ru của người K’ho” được vận dụng làn điệu dân ca ngày càng nhuần nhị. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những bài hát mà ông đã viết về Bác Hồ kính yêu và được Nhân dân mến mộ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, "Thăm bến Nhà Rồng”, “Cảm xúc từ làng Sen”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, những ca khúc với âm điệu trữ tình, gợi lên trong thính giả những xúc động sâu lắng. Đặc biệt, ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ” (phổ thơ Thanh Hải) có thể xem là một trong những giai điệu đẹp nhất về mùa xuân của âm nhạc Việt Nam. Trong bài hát, ca từ thơ và nhạc “cộng hưởng” tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và đi vào đời sống văn học nghệ thuật như một dấu ấn khó phai. Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng và sáng tác ca khúc, cố nhạc sĩ để lại gia tài đồ sộ với trên 800 bài hát. Trần Hoàn đã trở thành một hiện tượng đặc biệt, suốt đời làm công tác quản lý, tuyên huấn (UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Phó Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật…) nhưng lại là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng đã đi sâu vào lòng người từ nhiều thập kỷ qua. |