Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế 10 tháng năm 2024 (tính đến hết ngày 31/10/2024), cơ quan thuế đã ban hành 15.631 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế hoàn là 118.119 tỷ đồng, bằng 69,1% dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2024, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2023 thực hiện. Trong đó hoàn cho hoạt động xuất khẩu là 14.371 tỷ đồng, hoàn cho dự án đầu tư là 629 tỷ đồng, hoàn khác là 631 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo, toàn ngành tiếp tục rà soát, giám sát chặt chẽ công tác giải quyết hoàn thuế tại các địa phương và tham mưu kịp thời các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, phối hợp các đơn vị tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế trong những tháng cuối năm. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế, tại dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 76 theo hướng bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế và Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực. Việc sửa đổi quy định này nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết hoàn thuế cho cơ quan thuế các cấp theo hướng cơ quan thuế nào tiếp nhận hồ sơ phải trực tiếp giải quyết và quyết định hoàn thuế, từ đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế được giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh. Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, việc dồn toàn bộ các hồ sơ giải quyết hoàn thuế lên cục thuế dẫn đến áp lực về thời gian giải quyết rất lớn. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết đúng thời hạn và nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế còn phải kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa gian lận hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước nên trong thực tế một tỷ lệ nhất định hồ sơ hoàn thuế được giải quyết không kịp thời.
Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Công ty CP chế biến chế tạo gỗ Hoàn Thành cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử nhanh chóng, kịp thời, đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tái đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong giai đoạn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc được giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là sự hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội./. |