Những thư tịch cổ quý hiếm Vào dịp Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế giới thiệu đến công chúng những hiện vật là sách cổ, công văn, sắc bằng thời Nguyễn do các cá nhân, tổ chức hiến tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế từ năm 2008 đến nay. Trong đó, 11 cuốn cổ thư quý hiếm do ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế sưu tầm và tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tạo nên một sưu tập về sách cổ. Sưu tập gồm những tác phẩm có giá trị, như: “Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca” (quyển 7), “Tự Đức thánh chế thi tam tập”, “Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ” (quyển 69), “Giao tự đại lễ”, ‘Nghi thức thuyết giới Bồ tát tại gia”, “Điền tô sai dư thuế lệ”, “Truyện thơ Nôm Phan Trần”, “Chinh Phụ Ngâm”… cùng tập sách ảnh đầu thế kỷ XX, quý nhất là cuốn "Ngự chế minh văn cổ khí đồ”. Trưng bày còn giới thiệu những cuốn sách cổ do các cá nhân khác hiến tặng, như: cuốn “Thánh chế thi lục tập”, tập hợp 39 bài thơ của hoàng đế Minh Mạng do ông bà Andue de Cuozet, cựu thẩm phán sống tại Marseille (Pháp) hiến tặng năm 2008; 4 cuốn địa bạ do ông Lê Gia (TP. Huế) hiến tặng năm 2010; cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam” do bà Bùi Cẩm Hà Lê Thái (Việt kiều Pháp) hiến tặng năm 2013; 7 sắc bằng, công văn do ông Nguyễn Phước Vĩnh Hượt (TP. Huế) hiến tặng năm 2023; bộ sách “Trung Hoa từ điển” (6 tập) và sách “Tường đính cổ văn bình chú” do nhà nghiên cứu (NNC) Trần Đức Anh Sơn hiến tặng năm 2023.
Ngoài giá trị khai thác ở khía cạnh tư liệu, đa số đều là những cổ thư có giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt, cuốn “Giao tự đại lễ” là một bản sách chép tay tuyệt đẹp do Bộ Lễ thực hiện, nhằm xác định vị trí sắp đặt bài vị, hào soạn lễ vật trên từng án tại Viên Đàn và Phương Đàn ở lễ tế Nam Giao. Ngoài ra, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn giới thiệu đến công chúng các hiện vật thuộc sở hữu của bảo tàng, như đồng sách, thể sách, ngự lịch… Trong số những cuốn cổ thư trên, nhiều người quan tâm đến tác phẩm “Ngự chế minh văn cổ khí đồ” của vua Minh Mạng. Cuốn sách dù tồn tại là bản in, nhưng đây là một cổ thư hiếm hoi còn lưu trữ. Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, hiện nay, có 2 bản sách “Ngự chế minh văn cổ khí đồ” được biết đến: một bản in được lưu trữ tại Thư viện Paris, Pháp (có ký hiệu EFEC.VIET/A/ART/1) và một bản in đang được lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán – Nôm ( có ký hiệu A.147). Như vậy, bản sách cổ “Ngự chế minh văn cổ khí đồ” được hiến tặng và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế chính là bản thứ 3 được biết đến. Sưu tập cổ thư Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, sách cổ dưới triều Nguyễn cũng là sách cổ của Việt Nam vì triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng. Triều Nguyễn không chỉ biên tập, xuất bản những cuốn sách ở thời điểm đó mà còn cho sưu tập sách cổ của các triều đại trước. Vì vậy, việc tiếp tục sưu tập, gìn giữ và trưng bày, giới thiệu đến công chúng những cuốn thư tịch cổ rất quan trọng. Nó có ý nghĩa đánh động nhận thức của mọi người về giá trị của di sản Hán Nôm, bởi trước đây, người ta chỉ quan tâm đến cổ vật mà chưa thật sự chú ý đến tư liệu, thư tịch. Việc một số người hiến tặng những cổ thư giá trị là bước khởi đầu để Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sưu tập cổ thư. “Rất nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những cổ thư, tài liệu thư tịch thời Nguyễn như một bảo vật. Nếu chúng ta có chính sách rõ ràng thì có thể vận động họ trao lại cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để lưu trữ một cách khoa học và giới thiệu với công chúng. Ngoài ra, đã đến lúc nên lựa chọn một số tác phẩm có giá trị để nghiên cứu, dịch, xuất bản để cho công chúng biết rõ hơn về những giá trị văn hóa dưới thời Nguyễn”, ông Hoa nói. Từ năm 1923, khi thành lập Musee Khải Định, vua Khải Định đã ban dụ kêu gọi các cá nhân trong nước đóng góp cổ vật nhằm tạo nguồn hiện vật cho bảo tàng này. Truyền thống đó đã được tiếp tục khơi gợi và được sự ủng hộ của những người quan tâm bảo tồn di sản văn hóa từ hơn 20 năm trở lại đây. Những năm qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã làm tốt công tác vận động các tổ chức, cá nhân hiến tặng cổ vật cho bảo tàng, trong đó có những cuốn sách cổ thời Nguyễn. Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho hay, ngoài cổ vật, sách vở trước tác được lưu trữ trong dân gian, tản mác ở Huế và vùng phụ cận rất nhiều. Nhiều người cũng muốn hiến tặng nhưng họ chưa biết tặng cho ai hoặc có thể chưa tin. Vì vậy, cần tạo được hiệu ứng lan tỏa về văn hóa Huế liên quan đến câu chuyện từ sách vở của người xưa, để nhiều người biết và trao gửi tác phẩm. “Quan trọng là bảo tàng phải tạo được niềm tin để mọi người có thể tin tưởng trao tặng sách cổ, cổ vật để để bảo tồn di sản”, ông Trung nhấn mạnh. |