Quyền, nghĩa vụ của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế GTGT | |
Từ 1/7/2020, hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài đi vào hoạt động | |
Tính thuế GTGT hàng hóa xây dựng nhà xưởng cho doanh nghiệp chế xuất | |
Tiếp tục lấy ý kiến góp ý sửa quy định về hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài |
Hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: ST. |
Quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ trì
Quy định hiện hành tại Khoản 4, Điều 8 Thông tư 72/2014/TT-BTC (gọi tắt Thông tư 72), cơ quan Hải quan tiếp nhận hồ sơ, trình Bộ Tài chính lựa chọn ngân hàng làm đại lý hoàn thuế. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện các quy định tại Thông tư 72, cơ quan Hải quan nhận thấy chưa quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì trình Bộ Tài chính để thực hiện công tác lựa chọn sân bay, cảng biển quốc tế áp dụng hoàn thuế GTGT. Bên cạnh đó, tại Khoản 7 Điều 8 Thông tư 72 quy định cơ quan Hải quan có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài, tuy nhiên, chưa cụ thể việc cơ quan Hải quan phải quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống.
Do đó, để thống nhất với quy định hiện hành, tại Thông tư 92 quy định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc chủ trì báo cáo Bộ Tài chính quyết định việc lựa chọn áp dụng hoàn thuế GTGT tại sân bay, cảng biển quốc tế, đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, xử lý sự cố đối với Hệ thống quản lý thông tin hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua tại Việt Nam mang đi xuất cảnh (gọi tắt là hệ thống VAT-RS).
Liên quan đến quy định xuất trình, kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế và hàng hoá đã được quy định tại Thông tư 72. Tuy nhiên, mới chỉ quy định việc cơ quan Hải quan cập nhật thông tin về người nước ngoài, số tiền thuế GTGT người nước ngoài thực tế được hoàn vào cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan hiện nay đã được thay bằng Hệ thống VAT-RS. Do đó, việc quy định cơ quan Hải quan cập nhật cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan là chưa phù hợp.
Ngoài ra, khi thực hiện kiểm tra hàng hóa, hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, cơ quan Hải quan cần xác minh thông tin từ DN bán hàng đối với trường hợp hàng hóa có giá trị lớn, có dấu hiệu nghi ngờ có đúng là hàng hóa mua từ DN bán hàng không, có phải là hàng thật không. Tại Thông tư 72 chưa có quy định việc cơ quan Hải quan khi kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hàng hóa phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ hoặc hóa đơn của DN ghi chưa đầy đủ thông tin thì phải trao đổi thông tin với DN bán hàng và truyền các thông tin về hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế đã xác nhận đồng ý hoàn thuế cho ngân hàng thương mại.
Nhằm phản ánh đúng việc cập nhật thông tin vào Hệ thống VAT-RS, cũng như việc trao đổi giữa cơ quan Hải quan với các DN bán hàng khi hàng hóa có dấu hiệu nghi ngờ hay trường hợp xảy ra sự cố hệ thống… tại Khoản 13, Điều 1 Thông tư 92 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 19 Thông tư 72 theo hướng cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá tại quầy kiểm tra hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hàng hoá và việc kiểm tra được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Cơ quan Thuế có trách nhiệm, quyền hạn gì?
Khi thực hiện kiểm tra hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế, hàng hóa của người nước ngoài đề nghị hoàn thuế được quy định tại Khoản 2, 8 Điều 9 Thông tư 72, cơ quan Hải quan phải thực hiện kiểm tra DN bán hàng xuất hóa đơn có phải là DN bán hàng hoàn thuế GTGT đã được cơ quan Thuế công nhận. Cơ sở để cơ quan Hải quan tham khảo đó là danh sách các DN bán hàng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài trên trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 72 phát sinh tình trạng DN đã được cơ quan Thuế công nhận nhưng trên trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế chưa có, điều này gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong công tác hoàn thuế.
Ngoài ra, danh sách DN bán hàng hoàn thuế GTGT đã được cơ quan Thuế công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế vẫn chưa được kết nối dữ liệu với Hệ thống VAT-RS. Do vậy, để tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan trong việc thực hiện hoàn thuế, tại Thông tư 92, sửa đổi, bổ sung quy định, cơ quan Thuế có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lựa chọn DN bán hàng theo đúng quy định tại Điều 13 Thông tư này. Thực hiện công khai danh sách DN bán hàng hoàn thuế GTGT trên trang thông tin điện tử của cục thuế hoặc Tổng cục Thuế (trong trường hợp cục thuế không có trang thông tin điện tử) ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày ban hành văn bản công nhận DN bán hàng hoàn thuế GTGT theo quy định và cập nhật thông tin về DN bán hàng hoàn thuế GTGT vào Hệ thống VAT-RS.
Đồng thời, ngay khi nhận được thông tin của cơ quan Hải quan về DN bán hàng hoàn thuế GTGT, cơ quan Thuế có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin và xử lý theo quy định.
Cụ thể lại trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước
Tại Khoản 2, Khoản 5 Điều 10 và Khoản 5 Điều 18 Thông tư 72 đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện Kho bạc Nhà nước chỉ thực hiện hoàn trả cho ngân hàng thương mại căn cứ trên quyết định hoàn và lệnh hoàn của cục thuế gửi đến để thanh toán cho ngân hàng thương mại số tiền đã hoàn trả cho người nước ngoài mà không tham gia vào quá trình hoàn thuế cho người nước ngoài.
Do đó, Thông tư 92, bãi bỏ Khoản 5, Điều 10 Thông tư 72 và sửa lại Phụ lục 11 kèm theo thông tư. Theo đó, trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước định kỳ hàng tháng, năm, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh đối chiếu, xác nhận báo cáo kế toán hoàn thuế GTGT với cơ quan Thuế đồng cấp theo quy định.