Nhức nhối nợ đọng thuế Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu, ngay từ đầu năm 2014, toàn ngành Thuế đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, từ việc giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể cho từng đơn vị, rà soát, phân loại nợ kịp thời để đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế cho đến việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cưỡng chế nợ thuế. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, đã thu được 17.500 tỷ đồng (tương ứng 29%) số nợ thuế tại thời điểm 31-12-2013 chuyển sang. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tình hình nợ đọng thuế vẫn tăng cao. Đơn cử như tổng số nợ thuế của toàn Ngành tính đến hết 31-5-2014 tăng 12,5% so với thời điểm cuối năm 2013; trong đó, nhóm nợ khó thu chiếm tỷ trọng 16,8% so với tổng nợ, tăng so thời điểm 31-12-2013 là 4,2%, so với cùng kỳ năm 2013 tăng 28,3%; tiền thuế nợ đến 90 ngày chiếm tỷ trọng 22,9% so với tổng nợ, tăng so với thời điểm 31-12-2013 là 26,6%; Tiền thuế nợ trên 90 ngày chiếm tỷ trọng 54,9% so với tổng nợ, tăng 10% so với thời điểm hết tháng 12-2013; Nhóm nợ chờ xử lý chiếm tỷ trọng 5,4% so với tổng nợ, tăng 104,6% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng cục Thuế chỉ ra tiến độ đôn đốc thu hồi nợ thuế ở nhiều địa phương đạt thấp như: Cần Thơ, Hậu Giang đạt 8%; Lâm Đồng 14%, Nam Định 16%, Lạng Sơn là 19%... Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ thuế tăng đã được chỉ ra như: Do khó khăn chung của nền kinh tế dẫn tới nhiều DN phải ngừng kinh doanh, giải thể, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh tăng cao; Các DN khó tiếp cận với vốn vay phải chiếm dụng tiền thuế để lấy vốn sản xuất kinh doanh. Hàng tồn kho lớn cũng là nguyên nhân dẫn tới nợ thuế. Một số DN có kết quả thanh, kiểm tra quyết toán thuế của nhiều năm trước, có số thuế truy thu lớn nhưng chưa nộp NSNN; Hơn nữa, có không ít DN cố tình trây ỳ, không chịu nộp thuế. Ngoài ra, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, nguồn nhân lực làm công tác quản lý nợ thuế còn thiếu, chỉ khoảng 5% trên số CBCC thuế toàn hệ thống. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, bình quân một cán bộ làm công tác quản lý nợ phải quản lý khoảng 200 đến 300 người nợ thuế. Mặt khác, việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản ngân hàng gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng chưa cung cấp thông tin kịp thời, chủ yếu cơ quan Thuế chỉ nắm được những số tài khoản không có số dư hoặc số dư nhỏ không đủ để thực hiện cưỡng chế. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản hiệu quả thu nợ thường không cao vì phải chờ thẩm định giá tài sản kê biên hoặc chi phí thẩm định giá cao... Nợ thuế không vượt quá 5% số thu Mục tiêu đặt ra đối với toàn ngành Thuế là tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31-12-2014 không vượt quá 5% so với tổng thu năm 2014; trong đó không bao gồm các khoản như: Nợ phát sinh từ các khoản thu không giao trong dự toán, tiền thuế đã nộp vào NSNN đang chờ điều chỉnh, tiền thuế nợ của các DN đóng tàu, vận tải biển, các đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin, Vinaline và tiền thuế nợ của người nộp thuế hoạt động kinh doanh bất động sản mà trong năm 2014 cơ quan Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ... Phấn đấu thu tối thiểu 80% các khoản tiền nợ thuế đến 90 ngày và tiền nợ thuế trên 90 ngày thời điểm 31-12-2013 chuyển sang. Để hoàn thành nhiệm vụ này, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngành Thuế phải tăng cường theo dõi tình hình nợ thuế của từng người nộp thuế để xác định chính xác tiền phạt chậm nộp của từng khoản nợ của người nộp thuế; Đẩy nhanh việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, cũng như tăng cường các biện pháp quản lý nợ đọng thuế; Tập trung bám sát các DN nợ thuế lớn, phân tích kịp thời tình hình nợ tiền thuế để xây dựng biện pháp xử lý nợ đọng và đôn đốc nộp kịp thời. Phối hợp với cơ quan Kho bạc để khắc phục tình trạng tiền thuế đã nộp vào NSNN nhưng đang chờ điều chỉnh.
|