Viết về Vĩnh Lợi,ếtvềVĩnhLợket qua bong da vilich chắc hẳn có nhiều điều để viết. Ví như những người con xa quê thì viết về nỗi nhớ canh cánh bên lòng, nhớ hạt gạo Tài nguyên dẻo thơm ngòn ngọt, nhớ con mắm Vĩnh Hưng nồng nàn hương vị quê nghèo; những người ngày đêm sống cần lao trên mảnh đất này thì viết về ước vọng quê mình ngày một đổi mới. Và tôi với những xúc cảm của riêng mình thì xin được viết về một Vĩnh Lợi anh hùng mà tôi từng nghe, từng biết. Khoảng những năm 2000, mẹ tôi mỗi thứ Bảy hàng tuần đều mở chương trình Giọng ca cải lương Giải Bông lúa vàng của Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM nghe. Dạo ấy những bản vọng cổ “Hoa mua trắng”, “Tình anh bán chiếu”, “Dệt chặng đường xuân”, “Tần Quỳnh khóc bạn”… hay các bài bản trong những vở tuồng “Tô Ánh Nguyệt”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Người tình trên chiến trận”… mẹ tôi đều thuộc nằm lòng. Riêng đối với bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng”, mỗi lần được các thí sinh cất giọng ca thi, mẹ nghe và luôn chứa chan niềm xúc động. Mẹ cứ tấm tắc cảm phục tấm gương người mẹ anh hùng trong bài hát, và ngưỡng mộ sự tài hoa của người soạn giả đã viết lên những ca từ chạm đến trái tim người nghe. Hồi ấy Internet chưa phát triển, nên muốn tìm hiểu thông tin về hoàn cảnh sáng tác bài hát cũng như nhân vật trong câu chuyện cũng khó. Mãi sau này khi ra trường và công tác, một lần tình cờ tôi mới biết được “Giọt sữa cuối cùng” là câu chuyện có thật kể về liệt sĩ Nguyễn Thị Tư - là người con của quê hương Bạc Liêu (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi). Tôi gọi điện về kể với mẹ, qua điện thoại nhưng tôi vẫn cảm nhận được mẹ đang xúc động. Câu đầu tiên mẹ hỏi tôi là đứa bé trong bài hát ấy giờ còn sống không, hiện đang ở đâu. Tôi nói cho mẹ biết, chị Lê Thị Mỹ Linh - đứa bé bị địch giằng khỏi vòng tay mẹ năm xưa - vừa được cất tặng căn nhà tình nghĩa. Căn nhà là tấm lòng của khán thính giả gần xa quyên góp thông qua cầu phát thanh trực tiếp do Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực ĐBSCL thực hiện trong chương trình phát thanh đặc biệt của VOV phát sóng ngày 27/7/2012 - kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Chị Lệ Hoa - phóng viên VOV thường trú tại TP. Cần Thơ cũng đã gửi bài cộng tác đến tòa soạn nơi tôi công tác sau khi chứng kiến giây phút xúc động chị Mỹ Linh nấu mâm cơm cúng bàn thờ mẹ ngày dời vô nhà mới. Soạn giả Trọng Nguyễn trong lần trò chuyện với nghệ sĩ Hoài Thanh tại nhà riêng cũng có nói, trong sự nghiệp sáng tác của mình, hai bản vọng cổ mà khi chấp bút đã đem lại cho ông nhiều xúc cảm nhất, đó là “Ơn Đảng” và “Giọt sữa cuối cùng”. Bởi “Ơn Đảng” là ông viết khi nghĩ về người mẹ của mình, và “Giọt sữa cuối cùng” là ông viết về hình tượng người mẹ anh hùng. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T Tôi nhắc về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư hơi dài chỉ muốn nói rằng điều đầu tiên tôi biết về quê hương Vĩnh Lợi chính là biết về người con kiên trung của quê hương ấy. Về sau nữa, những câu chuyện mà tôi nghe, những người mà tôi gặp càng cho tôi thấy rằng, mảnh đất Vĩnh Lợi dù chưa thể gọi bằng những ngôn từ hoa mỹ như “địa linh nhân kiệt”, nhưng rõ ràng đây là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng. Nơi đây, những di tích lịch sử: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu căn cứ Huyện ủy Vĩnh Lợi… nhắc nhở thế hệ trẻ như tôi không được quên khúc ca oanh liệt của quê hương, không được quên những người con kiên cường bám đất, giữ làng, chiến đấu đến ngày giành được thắng lợi. Trong câu chuyện về truyền thống cách mạng của quê hương Vĩnh Lợi còn có hình ảnh người thương binh Nguyễn Văn Khoa. Người Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Bác năm xưa vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội xây dựng Đền thờ Bác trong vòng vây của địch. Dù trong mưa bom bão đạn, Đền thờ Bác vẫn được quân và dân huyện Vĩnh Lợi bảo vệ, giữ gìn bằng cả trái tim và tấm lòng kính yêu Bác vô hạn. Trải qua những năm tháng chiến tranh, quê hương Vĩnh Lợi đã khắc họa lên biết bao tấm gương anh hùng vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, những người nông dân tay lấm chân bùn kiên cường bám đất, bám quê, chiến đấu chống lại sự càn quét, đánh chiếm của địch. Đến Vĩnh Lợi, cảm tưởng như đặt chân đến nơi đâu cũng nghe được những câu chuyện kể về những anh hùng. Tôi có người bạn nhà ở gần cầu Nàng Rền (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cách địa điểm nổi tiếng trận đánh đồn Cầu Trâu năm 1962 một đỗi không xa. Lần nào đến nhà bạn chơi, trong cuộc chuyện trò, hay trong bữa ăn, tôi cũng thường được nghe cha bạn kể về sự quả cảm của những người chiến sĩ đánh đồn diệt địch, trong đó có anh hùng Mai Thanh Thế đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt. Năm tháng trôi qua, khí thế hào hùng, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường của những nghĩa sĩ ấy vẫn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương. Nhìn về quá khứ với truyền thống cách mạng đầy tự hào, nhìn bức tranh Vĩnh Lợi hôm nay với những gam màu nông thôn mới tươi sáng, tin tưởng rằng Vĩnh Lợi sẽ vững vàng trên con đường xây dựng và phát triển, tiếp tục gìn giữ và phát huy “vốn liếng” sẵn có, tiếp tục nâng cao những thành tựu đạt được. Rõ ràng, Vĩnh Lợi biết lấy niềm tự hào của quá khứ làm động lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đặc biệt là truyền thống cách mạng vẫn miệt mài theo năm tháng “chảy giữa quê hương làm cao rộng những công trình”. Nguyễn Kim Nghỉ |