【ket qua bong da.hom.nay】Nhớ những ngày chiến dịch
作者:Nhận Định Bóng Đá 来源:Ngoại Hạng Anh 浏览: 【大 中 小】 发布时间:2025-01-25 14:56:30 评论数:
(CMO) Những trang nhật ký chiến trường, cách đây hơn 40 năm vẫn còn nguyên trong khí thế hào hùng của quân dân Cà Mau năm xưa. Tháng 2/1972, tôi nhận quyết định từ Ban Chính trị Tỉnh đội Cà Mau biệt phái sang Ban Tuyên huấn tỉnh.
Ông Trần Hữu Vịnh (Hai Thống), Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên huấn, nói: “Hưởng ứng toàn miền, vào chiến dịch lần này, quân ta đánh lớn… Ở chiến trường Cà Mau, ta phải giải phóng toàn bộ đồn bót của giặc trên tuyến Bình Hưng - Cái Đôi. Anh em đã xuống địa bàn cả rồi, đồng chí sắp xếp đi ngay ra các mũi tiến công, với nghiệp vụ của mình, cổ vũ phát huy tinh thần đồng bào đang nổi dậy ở vùng giặc đang chiếm đóng".
Lần này vào chiến dịch, một thân tôi trên chiếc xuồng ba lá nhỏ đến xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Trên ngã ba sông, các lực lượng dân công hoả tuyến, du kích tập trung, bộ đội địa phương, hậu cần sôi động trong khí thế tiến công. Bằng phương tiện - vật liệu chuyên môn sẵn có và có sẵn một phác thảo tranh cổ động đã được thông qua Ban Tuyên huấn tỉnh, sau hơn một ngày đêm khẩn trương, tôi căng khung ra vẽ xong bức tranh cổ động 2 x 3,5 m, được anh em thông tin xã Trần Thới hỗ trợ, cắm cọc treo tranh bên ngã ba sông. Nội dung tranh thể hiện lớp lớp đoàn người đang gậy gộc trong tay xông lên phá ấp chiến lược: "Đạp nát rào gai cho chiến công nối tiếp”.
Thế rồi, chiến sự đã diễn ra trên khắp địa bàn huyện Cái Nước. Đồng bào trong các ấp chiến lược nổi dậy bao vây đồn bót giặc, đòi lũ quỷ Bình Hưng đền nợ máu! Hơn 7 ngày đêm, quân dân xã Trần Thới đào chiến hào bao vây đồn giặc, bộ đội ta đánh pháo liên tục vào đồn Bàu Chấu. Giặc đưa nhiều lượt máy bay quân sự, phi pháo, bom đạn trút xuống dữ dội để giải toả đồn Bàu Chấu. Bọn lính trong đồn lén bò ra đeo theo càng trực thăng thoát chết, có những tên lột bỏ quần áo lính chạy về chi khu Đồng Cùng. Dùng máy ảnh, tôi ghi nhanh đồn giặc đang ngập chìm trong khói pháo, kho đạn nổ tung, những hầm ngầm, công sự đồn bót giặc đổ nát. Tôi ký hoạ hàng trăm thanh niên nam nữ, những cụ già, tay vung cao cuốc, xẻng đào bới hang của lũ giết người.
Tù binh được giáo dục phóng thích tại chiến trường (ký hoạ của Nguyễn Hiệp 1972). |
Đến Thứ Vải - Quảng Phú, nơi 14 năm qua bọn giặc chụp vào đây bộ máy nguỵ quyền và đồn bót, những ấp chiến lược và rào kẽm gai kềm kẹp hơn 8 ngàn dân. Giờ đây quân ta dồn sức tiến công, truy kích giặc đến sào huyệt cuối cùng. Tôi ghi được hình ảnh các chiến sĩ nữ địa phương quân súng chắc trong tay dẫn tù binh về hậu cứ; Chị Út Hiểm, vợ của Huyện đội trưởng Năm Mến, đội thúng cơm vượt qua làn đạn pháo của giặc đem ra cho bộ đội ngoài mặt trận; Những tên lính nguỵ vừa bị bắt sống với gương mặt thiểu não cũng được cho ăn. Trong cơn mưa chiều, đường làng trơn trượt, tôi chạy bộ hơn 5 km để ghi lại hình ảnh đồn Quảng Phú còn đang bốc cháy, tên đồn trưởng cháy queo như chuột bị đốt. Ghi hình ảnh hàng trăm đồng bào từ các phía vượt sông ra đào, cuốc phá đồn Kênh Mới, trong đó có những cụ già tóc bạc phơ. Trực thăng của giặc đổ quân xuống trận địa một đại đội lính phản kích cứu nguy cho đồng bọn, bị quân ta diệt gọn, thây nằm ngổn ngang trên đồng nước. Và trong đêm ấy, tôi ghi hình ảnh Nhân dân ta đốt đuốc, bơi xuồng trên sông Cái Bát đi phá đồn giặc, vẽ anh chiến sĩ thông tin cầm ống loa thông báo đồn Mang Rổ giặc vừa bỏ chạy…
Chiến công nối tiếp, chiều cuối đông năm 1972, tôi ghi hình đoàn xuồng bộ đội hành quân trên sông Bùng Binh (Cái Bát) ra tuyến lửa. Kết thúc chiến dịch lịch sử, quân dân ta đánh diệt gọn đồn Bà Hui. Tôi đến vẽ chân dung bác nông dân bao ngày sống trong ấp chiến lược bị kìm kẹp khắc nghiệt của kẻ thù, bác đứng lên xé nát cờ ba sọc và xé hình tên Nguyễn Văn Thiệu bán nước…
Nhân dân ấp chiến lược Bà Hui phá đồn giặc (ký hoạ của Nguyễn Hiệp 1972). |
Ra mặt trận, tôi vẽ các chiến sĩ Tiểu đoàn U Minh nằm chờ giặc; Vẽ bà mẹ tiếp vận tải lương; Vẽ chân dung anh Hai Xẻo, người chiến sĩ hậu cần 2 thời kỳ kháng chiến luôn có mặt ở quân hàng; Vẽ đôi mắt sáng của đồng chí Định, đồng chí Của, đồng chí Xe Tăng (tên anh) trong mũi nhọn mưu trí dũng cảm đánh chiếm đồn Quảng Phú ban ngày; Vẽ đồng chí Tùng gan dạ xông lên, phất cờ lệnh cho quân ta xung phong tiêu diệt đồn Cái Bát; Vẽ tư thế chị Bảy Thơm hiên ngang chĩa súng bắt sống 2 tù binh trong trận diệt đồn và vẽ chân dung má Ngô Thị Thính, chị Hai Đào - người mẹ, người chị đỡ đầu cho bộ đội địa phương quân huyện Cái Nước. Vẽ hình má Tám Lệ ở Lung Tra, người đảng viên cao niên tham gia suốt từ đầu vào chiến dịch làm tổ trưởng tiếp vận chiến trường... Bằng vật liệu thô sơ, tôi đã ghi chép về những con người trên vùng đất gắn với chiến công lịch sử. Hơn 200 ký hoạ chiến trường ghi chép đã trở thành những tác phẩm sống động của thời cuộc, được trưng bày ngay khi chiến trường vừa im tiếng súng. Triển lãm ký hoạ được cơ động bên chiến hào, bên công sự quân dân ta đang nằm chờ giặc cho các lực lượng dân công hoả tuyến, làm quà cổ vũ tất cả hăng hái bước vào trận đánh mới.
Quân giặc liên tiếp thất bại trên các chiến trường. Ở Cà Mau, chúng điên cuồng đưa quân đánh phá vào vùng nông thôn giải phóng, lấn chiếm đóng lại đồn bót. Từ mùa đông năm 1972, quân dân ta đồng loạt tiến công, phía Bắc Cà Mau và nhiều nơi trong tỉnh có bộ đội chủ lực Trung ương về chi viện. Riêng tuyến Bình Hưng - Cái Đôi - Đồng Cùng, các đơn vị địa phương kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy bao vây tiêu diệt, bức rút 14 đồn bót lớn như: Đồn vàm xáng Thọ Mai, đồn Bà Ký, đồn Vàm Đình, đồn Cả Đài, đồn Bà Hui và các đồn Thứ Vải, Quảng Phú, đồn Kênh Mới, đồn Cái Đôi, đồn Mang Rổ cùng trên 30 lô cốt - đồn bót nhỏ, trạm tiền tiêu của giặc trong khu vực bị quân ta quét sạch. Ta diệt và bắt sống trên 500 tên, thu toàn bộ vũ khí, biệt khu Hải Yến - Bình Hưng bị đánh thiệt hại nặng.
Những con người trên vùng đất này đã làm nên chiến thắng lịch sử, năm tháng qua đi nhưng đất nước không thể nào quên. Tôi viết lại những dòng này để kỷ niệm 47 năm hưởng ứng với toàn miền, huyện Cái Nước vào chiến dịch “Đánh chắc và thắng chắc”, đánh tiêu diệt, dỡ mảng hệ thống đồn bót giặc trên địa bàn, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.
Nguyễn Hiệp