Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, để chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đang xem xét giảm phí một số dịch vụ tại cảng Cát Lái, với mức giảm khoảng 20 -30%. Đối với việc giảm phí vận hành hàng lạnh theo đề xuất của doanh nghiệp thuỷ sản, hiện đơn vị đang xem xét hình thức thực hiện, bởi hiện nay, lượng hàng đông lạnh tại cảng Cát Lái đang ở mức cao. Trung bình mội ngày đơn vị tiếp nhận 700 tues đông lạnh xuất khẩu. “Mặc dù đã đầu tư năng lực bãi chứa tăng thêm trên 1.000 container lạnh, nhưng cảng Cát Lái vẫn quá tải do sản lượng container lạnh thông qua cảng tăng nhiều. Tại một số thời điểm, nhất là vào những ngày có nhiều tàu đến cảng trễ so với lịch trình, đã xuất hiện tình trạng bãi container hàng lạnh của cảng bị quá tải cục bộ, gây khó khăn cho công tác điều hành sản xuất và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của cảng”- Ông Nguyễn Phương Nam cho biết thêm. Đồng tình để xem xét giảm phí một số dich vụ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng lo lắng đến việc ùn ứ, tồn đọng hàng tại cảng trong thời điểm hiện nay, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới- thời điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ hàng do nghỉ lễ dài ngày. Chính vì vậy, tổng công ty sẽ cân nhắc việc giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cũng tránh việc hỗ trợ này ảnh hưởng, dẫn đến ùn ứ hàng tại cảng. Trước đó, từ ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm các một số chi phí dịch vụ tại cảng cho các lô hàng XNK của doanh nghiệp, nhất là hàng đông lạnh. Theo VASEP, hiện nay rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp thủy sản đã bị hủy, hoãn giao hàng, không ký tiếp được đơn hàng mới và chậm thanh toán dẫn đến rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các lô hàng thủy sản XNK đa phần đều là hàng đông lạnh nên các chi phí dịch vụ tại cảng như chi phí cắm điện, lưu container, lưu bãi, đảo chuyển container,... thường rất lớn, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản. Đáng chú ý, hiện nay, phí cắm điện cho container tại cảng là phí chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các chi phí của doanh nghiệp chi trả cho các dịch vụ tại cảng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, thời gian container neo tại cảng thường kéo dài hơn rất nhiều so với trước đây, kéo theo phí này lại càng lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chịu các phí dịch vụ do các hãng tàu thu, như: Phí neo container, tiền cược container. Trước khó khăn trang sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp thuỷ sản đề xuất, giảm 50% phí cắm điện cho các container lạnh lưu tại cảng. Đồng thời, xem xét giảm phí dịch vụ đối với các dịch vụ còn lại mà các cảng đang thu của doanh nghiệp (gồm cả phí dịch vụ thu trực tiếp từ doanh nghiệp hoặc thu gián tiếp qua các hãng tàu).
|