Chủ động kiểm tra, kiểm soát Năm 2016, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng… Nhiều mặt hàng được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam, trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Đáng chú ý, năm 2016, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm khá nổi cộm, nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng trái phép chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, kinh doanh các loại dược phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả… đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân... “Cục QLTT đã xây dựng nhiều kế hoạch chuyên đề cụ thể, chỉ đạo lực lượng QLTT quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, mở nhiều đợt cao điểm nhằm vào các mặt hàng trọng tâm” - ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết. Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố đều chủ động kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh thực phẩm (rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến), ngăn chặn gia cầm, gia súc và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, các loại thực phẩm có sử dụng chất cấm; kiểm tra các hành vi kinh doanh, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thuộc danh mục cấm nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam... Thống kê sơ bộ của Cục QLTT, năm 2016, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 180.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 102.000 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 600 tỷ đồng. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cao Hiện nay, lưu thông hàng hóa ngày càng dễ dàng, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa sẽ ngày càng lớn, đa dạng phong phú, đồng nghĩa với công tác quản lý thị trường cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Vì thế, lực lượng QLTT không ngừng đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các lực lượng: Biên phòng, cảnh sát biển, công an, hải quan… để kiểm soát thường xuyên tại các khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển…, nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, An Giang… phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm lớn có tính chất liên tuyến, liên vùng. Bên cạnh đó, nhằm nâng hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, lực lượng QLTT đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, trong đó chú trọng tăng cường công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về SHTT. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của lực lượng QLTT còn gặp nhiều hạn chế do thiếu kinh phí, trang thiết bị, nguồn lực, nguồn thông tin…, đặc biệt là hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo, dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng QLTT là tiếp tục rà soát lại các văn bản pháp quy để kiến nghị sửa đổi những vấn đề còn chưa phù hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho lực lượng chức năng trong thực tế. “Một trong những vẫn đề quan trọng là nâng cao hơn nữa năng lực của cơ quan, công chức QLTT, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân, làm trong sạch lực lượng QLTT” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
|