Giải bài toán kinh tế tuần hoàn ngành giấy Nhiều giải pháp được đưa ra để hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy tại hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi” do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức - Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ chốt của ngành công nghiệp giấy, trong đó xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải tại nhà máy, là một trong những mục tiêu quan trọng. Ông Đức cũng cho biết thêm, bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn. Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Với loại rác này, nhiều nhà máy đều phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ. Trong khi đó, hiện trong nước đã có nhiều cơ sở sản xuất có đủ khả năng và trang thiết bị về công nghệ (lò hơi tầng sôi) để trực tiếp xử lý tại chỗ chất thải này. Đây cũng còn là một nguồn phế liệu cần được tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ trở lại cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó. Việt Nam đã làm chủ được công nghệ lò hơi tầng sôi Tiến sĩ Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, tính đến năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, trong đó: hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng và hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm khoảng 35% sản lượng. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm tỉ lệ trên 80%, còn lại là các loại giấy tissue, in viết, vàng mã và các loại giấy khác. Dự kiến đến năm 2030, ngành giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở khu vực và châu Á, sản lượng giấy và bột giấy đứng thứ 2, giấy bao bì đứng thứ 1 trong khu vực, trong Top 10 Châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh. Việc tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải để tận dụng đưa trở lại quá trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn là mục tiêu trọng điểm của ngành trong thời gian tới. Tiến sĩ Đặng Văn Sơn cũng cho biết, hiện tại, hầu hết các nhà máy sản xuất giấy có công suất lớn, hiện đại đều sử dụng lò hơi tầng sôi.
Trên thế giới nhiều nước đã phát triển và ứng dụng công nghệ này như Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Tại Việt Nam, việc sử dụng lò hơi tầng sôi để đồng xử lý chất thải rắn cũng đã được một số nhà máy giấy áp dụng thử nghiệm như công ty giấy Chánh Dương, VinaKraft, Tân Mai, Đông Hải Bến Tre, Hưng Hà... Kết quả kiểm định cho thấy việc đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thường trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đều có các chỉ tiêu ô nhiễm đạt quy chuẩn về khí thải, nồng độ bụi... đáp ứng với các chỉ tiêu đối với lò đốt rác thải công nghiệp Nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật nói chung và môi trường nói riêng cho doanh nghiệp Hiện nay, các công ty chế tạo lò hơi trong nước đã làm chủ được công nghệ và thiết kế chế tạo được thiết bị lò hơi tầng sôi tiên tiến hiện đại, phù hợp có chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn nhập ngoại. Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là còn thiếu các văn bản hướng dẫn, thông tư dưới luật, nhằm cụ thể hóa các điều khoản trong Luật, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất trong quá trình triển khai áp dụng. Thứ hai là, nhận thức của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước còn chưa đồng nhất, dẫn đến có địa phương cho phép có địa phương không. Doanh nghiệp cũng chưa chú trọng chú ý từ lúc nghiên cứu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thứ ba là vốn đầu tư lò hơi tầng sôi có đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp cao hơn so với lò hơi thông thường. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận. Từ thực tế này, Tiến sĩ Đặng Văn Sơn cũng đưa ra một số giải pháp gợi ý như: cần nâng cao nhận thức về hiểu biết pháp luật nói chung và về môi trường nói riêng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có kế hoạch khảo sát chính thức toàn diện và đánh giá hiệu quả của loại hình đồng xử lý này cả về mặt kinh tế và môi trường trong phạm vi toàn ngành trên cả nước để làm căn cứ xây dựng các giải pháp thúc đẩy việc đồng xử lý. Xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể dễ hiểu để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiểu và triển khai đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương trong cả nước. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc khuyến khích đầu tư đồng xử lý này nhằm tiết giảm chi phí đầu tư và vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp, đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng được khuyến khích tại Việt Nam, ngành giấy là điển hình trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong đó, việc sử dụng lò đốt tầng sôi tại các nhà máy giấy để đồng xử lý chất thải rắn đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn cả trong và ngoài nước thỏa mãn các quy chuẩn về môi trường. Nhà nước nên cho phép và khuyến khích sử dụng tại tất cả các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung, nhà máy giấy bao bì nói riêng trên tất cả các tỉnh thành, địa phương cả nước. |