游客发表

【kết quả.bóng đá】Tín ngưỡng và mê tín

发帖时间:2025-01-10 14:57:16

Báo Cà Mau(CMO) Tín ngưỡng là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào những điều siêu nhiên tạo nên đời sống tâm linh, tinh thần, góp phần giáo dục đạo đức xã hội và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc…

Tuy nhiên, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan rất mong manh, nếu không suy nghĩ thấu đáo, chúng ta sẽ dễ sa đà vào mê tín, mù quáng tin vào những điều trái tự nhiên, phản khoa học, dẫn đến lãng phí tiền của, tổn hại sức khoẻ của bản thân và gia đình, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng, xã hội…

Hạn chế đốt vàng mã

Theo Sư cô Thích nữ Diệu Chánh, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau, đốt vàng mã (giấy tiền, vàng bạc, quần áo làm bằng giấy) là tín ngưỡng theo tư tưởng đạo giáo của Trung Quốc và dần lan truyền sang nước ta dưới thời Bắc thuộc. Người ta quan niệm rằng, sinh hoạt trên trần gian thế nào thì dưới cõi âm cũng như thế, nên vào những dịp cúng giỗ ông bà, lễ tế thánh thần…, nhiều người thường đốt vàng mã để tỏ lòng biết ơn và cầu xin được ban phước lành.

Theo giáo lý Phật pháp, con người được tạo thành nhờ vào 5 yếu tố (gọi là ngũ uẩn) gồm: các yếu tố về tinh thần (sắc), sự cảm thọ (thọ), suy nghĩ (tưởng), sự vận hành của bản thân (hành), ý thức, sự nhận biết (thức). Khi con người chết đi thì sắc thân không còn, thọ - tưởng - hành sẽ lưu trong thức mà thức đã không có sắc thân để nương vào nên không có hình tướng thì đâu cần vật chất. Vì vậy, trong kinh Phật không có nói về đốt vàng mã.

Tuy nhiên, tín ngưỡng là tự do, duy tâm tại mỗi người, chúng ta không thể áp đặt quan điểm của mình lên người khác được. Nhưng, tránh sự lãng phí khi phải bỏ nhiều tiền thật để mua tiền giả mang đi đốt, khói bụi ảnh hưởng vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ… Trong các bài thuyết pháp về Phật giáo, các sư thầy thường khuyên bảo phật tử, những người học đạo… nên hạn chế đốt vàng mã.

Đốt nhiều vàng mã vừa tốn tiền, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy. Ảnh internet

Chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường

Hằng tháng, cứ vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch, không ít người, nhất là những người kinh doanh dịch vụ vận tải, mua bán thường chuẩn bị mâm cơm, con gà luộc, hoặc dĩa bánh kẹo… cúng vái những người khuất mặt (gọi là cúng cô hồn). Sau khi cúng xong, dĩa bánh kẹo được đổ xuống mặt đường làm cho đường phố dơ bẩn và gây phản cảm cho người khác khi thức ăn lại mang bỏ hoang phí.

Lý giải điều này, chị Lành, mua bán nhỏ ở chợ Phường 4, TP Cà Mau, cho rằng, thức ăn đã cúng cô hồn, người cúng không dùng và phải đổ bánh kẹo xuống đường thì cô hồn mới dám ăn! Vậy, mâm cơm với nhiều thức ăn ngon, hoặc con gà luộc sao không đổ đi mà giữ lại để thưởng thức? Câu hỏi đặt ra, chị Lành ậm ừ: “Cái nào ăn thì ăn, cái nào đổ thì đổ” (?).

Theo Sư cô Thích nữ Diệu Chánh, cúng mùng 2 và 16 cũng là hình thức tín ngưỡng dân gian lan truyền từ đạo giáo của Trung Quốc. Người ta quan niệm rằng, ngày mùng 1 cúng Phật thì mùng 2 cúng vong và tương tự là ngày rằm và 16. Tuy nhiên, thức ăn sau khi cúng vẫn có thể sử dụng bình thường, nếu người cúng ngại có thể gói lại cho người nghèo chớ không nên đổ xuống đường, vừa lãng phí mà còn mang tội theo thuyết nhà Phật.

Trong thực tế, việc vứt thức ăn bừa bãi xuống đường cũng đồng nghĩa vứt rác thải ra đường phố, là hành vi vi phạm Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2017. Theo đó, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị xử phạt từ 3-7 triệu đồng.

Phải hiểu ý nghĩa của phóng sinh

Phóng sinh là thể hiện tấm lòng từ bi. Tuy nhiên, từ bi phải có trí tuệ, không có trí tuệ là mù quáng. Từ bi có trí tuệ nghĩa là khi bắt gặp con vật bị nạn ta giải cứu chúng, hoặc vô tình nhìn thấy chim, cá, rắn… bị mang ra bán trong chợ, ta có thể bỏ tiền ra mua rồi thả chúng về với thiên nhiên, cho chúng tiếp tục sự sống.

Còn từ bi mù quáng là bỏ tiền ra đặt mua nhiều chim, cá non để thực hiện phóng sinh. Cơ sở được đặt mua lại thuê người đi săn lùng để có hàng giao cho khách. Như vậy, vô hình trung người thực hiện thả (phóng sinh) cũng chính là bắt chúng (sát sinh).

Từ bi là ở tại tâm, xuất phát tuỳ duyên và phải có sự hiểu biết. Thay vì bỏ nhiều tiền để mua chim, cá non mang đi phóng sinh, tạo điều kiện cho những người cơ hội chờ sẵn bắt những con cá, con chim phóng sinh để trục lợi, thì số tiền đó chúng ta có thể dùng để giúp đỡ người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn… Bởi phóng sinh là giải thoát cho một sinh mạng, nhưng cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ.

Hiểu rõ ý nghĩa và thực hiện đúng việc phóng sinh mới tạo phước, còn ngược lại sẽ vô tình tạo nghiệt. Thậm chí là vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ các loài động vật hoang dã./.

Mã Phi

    热门排行

    友情链接