BP - Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc, trkqbd u19 phap với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài các hoạt động thường xuyên. Tháng hành động vì ATTP năm nay còn là điểm nhấn tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông rộng rãi nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao đạo đức người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và tuân thủ các quy định pháp luật.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2018, song song các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, UBND tỉnh yêu cầu chú trọng triển khai chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng cần tuyên truyền là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp và nhất là người tiêu dùng. Phải làm sao để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong ATTP. Đó là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cùng với đó là tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Điểm đặc biệt trong Tháng hành động vì ATTP năm nay là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP đã có hiệu lực. Nghị định số 15 tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; nhưng cũng đồng nghĩa cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải tự giác nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật như đăng ký, tự công bố chất lượng đến cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Cùng với chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh ATTP thì điều rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định là “trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt của Tháng hành động vì ATTP năm 2018. Để người sản xuất, kinh doanh có được “trách nhiệm” thì trước hết họ phải có “đạo đức”. Đạo đức kinh doanh được xây dựng trên cơ sở ý thức tự giác của mỗi người tham gia sản xuất, kinh doanh trong xã hội. Đạo đức sản xuất, kinh doanh cũng là nền tảng của sự bền vững trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra uy tín của từng cơ sở. Nếu không có đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thì làm ăn gian dối sẽ phát triển. Qua nhiều vụ việc mất ATTP cho thấy, đạo đức kinh doanh của một bộ phận trong xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Người sản xuất sẵn sàng cho những chất độc hại vào thực phẩm để tăng lợi nhuận, bất chấp những nguy cơ, cảnh báo về sức khỏe. Làm kinh tế thì phải có lãi, nhưng không thể coi thường tính mạng của người tiêu dùng.
Thực phẩm bẩn không chỉ làm tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng hôm nay, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển các thế hệ tương lai. Để vấn đề vệ sinh ATTP không còn là mối lo với mọi người dân, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự nghiêm minh của pháp luật thì lương tâm, đạo đức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chính là điều kiện tiên quyết, là cái gốc để loại bỏ thực phẩm bẩn, mang lại cuộc sống an toàn cho người tiêu dùng.
Thanh Hà