Báo cáo này được lập dựa trên chuyến thăm tư vấn hàng năm của AMRO tại Việt Nam vào tháng 1/2019 và dữ liệu đến ngày 28/2/2019.
Vị thế kinh tế đối ngoại được tăng cường
Theo AMRO, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ được duy trì nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất và dịch vụ sau khi tăng trưởng mạnh mẽ 7,1% trong năm 2018. Tăng trưởng sản xuất được thúc đẩy bởi lĩnh vực điện tử, trong khi lĩnh vực dịch vụ được thúc đẩy bởi ngành bán buôn và bán lẻ và du lịch.
Trong nỗ lực giảm thiểu áp lực lạm phát, Chính phủ đã tăng cường quản lý giá và hoãn tăng 33% thuế bảo vệ môi trường. Do đó, lạm phát trung bình năm 2018 ở mức 3,5%. Lạm phát năm 2019 được dự báo tăng nhẹ nhưng vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Quốc hội.
Báo cáo cho thấy, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam tiếp tục tăng cường, phản ánh qua sự tích lũy của dự trữ ngoại hối (đạt 55 tỷ USD vào cuối năm 2018), được hưởng lợi từ hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ và đầu tư nước ngoài cao hơn. Việc linh hoạt hơn trong quản lý tỷ giá hối đoái cũng cải thiện khả năng phục hồi của nền kinh tế trước những cú sốc bên ngoài, đồng thời cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng bộ đệm dự trữ.
Thâm hụt tài khóa được giữ ở mức 3,5% GDP trong năm 2018 và dự kiến sẽ ổn định trong năm 2019, phù hợp với kế hoạch củng cố tài khóa của Chính phủ. Theo AMRO, việc tiếp tục nỗ lực và các sáng kiến cải cách phù hợp với kế hoạch tài chính trung hạn là rất đáng khen ngợi. Tiếp tục nỗ lực chính sách để tăng cường cơ sở thu sẽ rất quan trọng trong dài hạn, đặc biệt là cho nhu cầu chi ngày càng tăng cho phát triển và an sinh xã hội một cách bền vững.
AMRO cũng khen ngợi nỗ lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp của Ngân hàng Nhà nước. Việc giám sát cho vay đối với một số lĩnh vực trong nền kinh tế như bất động sản và xây dựng đã giúp giảm thiểu rủi ro của bong bóng tài sản.
AMRO cho rằng, tiến bộ gần đây trong việc giải quyết nợ xấu ở một số ngân hàng là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, cần nỗ lực hơn nữa để tăng tốc độ giải quyết nợ xấu còn lại.
Cần tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính
Bên cạnh những điểm tích cực, kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều rủi ro trong trung và dài hạn. Theo AMRO, rủi ro chính chủ yếu đến từ sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại tăng và sự biến động trong dòng vốn. Xung đột thương mại Mỹ-Trung tác động lên xuất khẩu của Việt Nam qua chuỗi giá trị toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường trong nước. Ngoài ra, nhu cầu toàn cầu giảm trong bối cảnh tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược tăng trưởng do xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, những thay đổi khó lường trong chính sách từ các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến và dòng vốn chảy ra từ các thị trường mới nổi cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.
Theo AMRO, với điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và đà tăng trưởng mạnh trong nước, trọng tâm chính sách nên tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính. Do đó, việc hạ thấp mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là thận trọng và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giám sát cho vay đối với một số lĩnh vực nhất định trong nền kinh tế để bảo đảm giảm thiểu rủi ro của bong bóng tài sản.
AMRO cũng khuyến khích việc duy trì chính sách linh hoạt tỷ giá hối đoái hơn nữa, cùng với việc sử dụng can thiệp ngoại hối một cách hợp lý để hạn chế những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ.
Theo AMRO, tiếp tục cải cách cơ cấu sẽ giúp nền kinh tế giải quyết các thách thức trung và dài hạn. Tăng cường minh bạch tài chính sẽ có lợi rất nhiều trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn tài sản nhà nước.
Đồng thời, cải thiện giáo dục đại học và đào tạo nghề là cần thiết để nâng cao lực lượng lao động và nâng cao năng suất, điều này sẽ giúp tạo điều kiện cho đất nước đi lên trên con đường phát triển kinh tế.
AMRO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp tục nỗ lực củng cố tài chính và các sáng kiến cải cách phù hợp với kế hoạch tài khóa trung hạn.
Thảo Miên