Triển khai các chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững cũng như thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Công Thương đã ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với nhiều mục tiêu cụ thể. Để đạt được mục tiêu trong chiến lược, kế hoạch nêu trên, việc nâng cao nhận thức về phát thải, cũng như triển khai thực hiện thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (thị trường carbon) tại Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của ngành cũng như của nhiều doanh nghiệp ngành Công Thương. Việt Nam đang dần thâm nhập sâu hơn vào thị trường carbon. Đây là một cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh doanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, song hành với đó là nhiều thách thức được đặt ra. Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon dựa trên việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tham gia vào thị trường carbon để đạt được mục tiêu trung hoà carbon. Thị trường giao dịch khí thải quốc tế đầu tiên trên thế giới của Liên minh châu Âu đã đi vào vận hành từ năm 2005. Ở Việt Nam, những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên đã được nhen nhóm từ năm 2018, tuy nhiên mới chỉ tập trung vào năng lượng tái tạo, thuỷ điện. Những năm gần đây, thị trường carbon ở nước ta mới thực sự sôi động, đặc biệt từ khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon vào năm 2023. Việt Nam cũng đang chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng vận hành thị trường carbon vào năm 2029. Từ giờ đến 2029 chính là giai đoạn vàng để các doanh nghiệp Việt Nam có những bước chạy đà cần thiết cho cuộc đua carbon. Việc giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao hình ảnh thương hiệu, thu hút khách hàng có ý thức về môi trường. Bằng cách đầu tư vào các dự án giảm phát thải, doanh nghiệp có thể tạo ra các tín chỉ carbon và giao dịch trên thị trường, tạo ra nguồn thu nhập mới. Hơn nữa, việc tham gia thị trường carbon cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí vận hành. Với mong muốn truyền tải thông điệp về chuyển dịch kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, kinh tế phát thải carbon thấp; đồng thời cung cấp thêm thông tin cập nhật về hiện trạng, thách thức cũng như đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả thị trường carbon tại Việt Nam, Báo Công Thương tổ chức Hội thảo “Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức” với sự tham dự của các vị khách mời: - Ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương. - Ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường. - PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam. - Bà Đặng Hồng Hạnh - Trưởng nhóm, chuyên gia về chính sách biến đổi khí hậu. - Ông Vũ Mạnh Thắng - Ban Năng lượng, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. - Bà Phan Thị Thu Thủy - đại diện Công ty Tư vấn tin học Môi trường - TKV. Hội thảo sẽ có hai phiên nội dung. Phiên 1: Tham luận - Hiện trạng thị trường carbon, những thuận lợi của doanh nghiệp công nghiệp và kết quả bước đầu thực hiện. Phiên 2: Thảo luận - Thách thức trong thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp và hóa giải những thách thức. Một số hình ảnh tại hội thảo:
|